– Gia công cơ kim khí là một trong những nghề có lịch sử hình thành lâu đời trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội, gắn liền với các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các làng nghề này đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi bước vào thời kỳ công nghiệp hóa nhưng những áp lực lên môi trường từ hoạt động sản xuất của làng nghề đang là vấn đề được các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn đặc biệt quan tâm.
>>> Công ty môi trường Urenco 6 bị xử phạt gần 2 tỷ đồng vì vi phạm quy định về môi trường
>>> Bố Trạch, Quảng Bình – Bài 2: Dự án triển khai cam kết một đường, thực hiện một nẻo
Ổn định đời sống làng nghề
Trên địa bàn Hà Nội hiện nay có nhiều làng nghề hoạt động trong lĩnh vực gia công cơ kim khí. Có thể kể đến một số làng nghề đã nổi danh, như: Làng rèn Đa Sỹ (quận Hà Đông), làng nghề cơ khí Phùng Xá (huyện Thạch Thất), làng nghề kim khí Rùa Hạ (huyện Thanh Oai)… đã tồn tại hàng trăm năm. Ngày nay, trước những tác động của đô thị hóa, các làng nghề vẫn phát triển và tạo cho mình một hướng đi riêng, đáp ứng với nhu cầu cuộc sống.
Quá trình công nghiệp hóa đã tạo thêm “cú hích” cho nhiều làng nghề phát triển sang một giai đoạn mới, người dân các làng nghề có thu nhập cao và đời sống ổn định. Khảo sát thực tế tại Làng nghề rèn Đa Sỹ, hiện có trên 1.000 lao động làm nghề, các sản phẩm không chỉ được buôn bán rộng rãi tại Hà Nội mà còn được xuất ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí còn được xuất ra nước ngoài.
Chủ tịch Hội làng nghề rèn Đa Sỹ Hoàng Quốc Chính cho biết, quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp đã được chuyển đổi sang làm hạ tầng và các công trình công cộng, công trình dịch vụ… nên người dân Đa Sỹ phải gắn bó với nghề rèn để mưu sinh. Từ đó, người dân cũng ý thức hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, thu nhập của người dân làng nghề tương đối ổn định. “Thu nhập của người dân làng rèn Đa Sỹ bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/hộ/tháng, đặc biệt một số hộ có thu nhập lên tới trên 50 triệu đồng/tháng nên ngay cả khi quá trình đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay thì người dân vẫn có thể gắn bó và giữ nghề” – ông Chính nói.
Nguy cơ ô nhiễm
Theo số liệu khảo sát của Sở TN&MT Hà Nội, tại 13 làng nghề gia công cơ kim khí ở 8 quận, huyện (Hà Đông, Hoài Đức, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phú Xuyên, Thường Tín, Thạch Thất, Thanh Oai) lĩnh vực chính bao gồm: Gia công cơ khí, nhựa; gia công cơ kim khí, rèn, làm két sắt… Trong đó, một số làng nghề thu hút nhiều hộ làm nghề tương đối lớn, như: Làng nghề cơ khí thôn Dụ Tiền (xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai) 167 hộ còn làm nghề trên tổng số 202 hộ; làng nghề cơ khí nông cụ Phùng Xá (Thạch Thất) hiện có 200 hộ làm nghề. Các làng nghề Liễu Nội (Thường Tín), Dụ Tiền, Phùng Xá, Đại Tự… thu hút một lượng lớn lao động từ 500 – 1.200 người. Một số làng nghề sản xuất không tập trung, số lượng lao động ít, như: Làng nghề rèn Thúy Hội (Đan Phượng) và Vũ Ngoại (Ứng Hòa) có số lượng hộ làm nghề khoảng 20 hộ với khoảng 20 – 40 lao động.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, công nghệ sản xuất của các cơ sở làng nghề gia công cơ kim khí còn tương đối thô sơ, chủ yếu làm thủ công hoặc kết hợp một phần sử dụng máy móc. Các loại nguyên vật liệu sử dụng cho sản xuất là sắt hình, tôn, thép, inox… Từ đó, phát sinh ra các vấn đề ô nhiễm do gia công sơ bộ, đột dập, hàn, tẩy rỉ, làm sạch, mạ kẽm, sơn đều làm xuất hiện bụi, gỉ sắt, tiếng ồn, khói, nước thải với các độc tố như CTR, axit, Zn, Ni, Cr làm ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất.
Kết quả phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm của Sở TN&MT cho thấy, các thành phần khí ô nhiễm chủ yếu là: CO, CO2, SO2, NOx, nhiệt, hơi của các dung môi hữu cơ. Ô nhiễm không khí do tiếng ồn, khói, bụi do giao thông đi lại, khí thải do đốt than, mùi sơn khi phun hoàn thiện sản phẩm…
Bên cạnh vấn đề lo ngại về ô nhiễm không khí, các hoạt động sản xuất của làng nghề gia công cơ kim khí cũng có tác động tiêu cực đến môi trường nước và đất. Nước thải từ các quá trình gia công cơ kim khí phát sinh chủ yếu từ các công đoạn làm mát, tẩy rửa – mạ kim loại, vệ sinh thiết bị, nhà xưởng. Nước thải chứa nhiều bụi bẩn, rỉ sắt, dầu mỡ và một số hóa chất độc hại như: HCl, NaOH, Cr, Ni, Fe3+, CN-, Zn2+, Cr3+, Ni2+… Trong khi đó, nước thải sản xuất và sinh hoạt tại các làng nghề không được tách riêng, vẫn chủ yếu đổ ra kênh, mương, cống rãnh, ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chỉ có làng nghề Phùng Xá có hệ thống xử lý nước thải do xã hỗ trợ được vận hành vào năm 2005.
Môi trường đất bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các loại chất thải rắn, do các nguyên liệu sản xuất có hàm lượng kim loại rất cao, chứa dầu mỡ, các chất khoáng. Việc thải bỏ chất thải rắn không theo quy hoạch và không được quản lý đã ảnh hưởng tới chất lượng đất của làng nghề, hàm lượng kim loại trong đất khá cao. Lượng chất độc này dễ ngấm vào đất, tích tụ lại lâu dần sẽ làm suy thoái môi truờng đất.
Trao đổi về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế quận Hà Đông Nguyễn Hữu Thanh cho rằng, trước thực trạng ô nhiễm, các hoạt động sản xuất của làng nghề gia công cơ kim khí cần phải được tập trung vào một cụm công nghiệp, không để xen kẽ trong các khu dân cư. “Việc tập trung vào một khu vực sản xuất vừa giúp người dân có điều kiện đầu tư máy móc để sản xuất và xử lý được các vấn đề về khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường” – ông Nguyễn Hữu Thanh nói.
Theo KTĐT