Lạng Sơn: Mô hình thu phí nước sạch nông thôn hiệu quả

Mai Trang (T/h)|21/11/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Chỉ từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/m3 nước, các xã tại Lạng Sơn đã có quỹ để vận hành và bảo trì công trình cấp nước tập trung.

Chị Đàm Thị Nông, thôn Nà Pe, xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng cho biết: Trước đây, muốn có nước sinh hoạt, gia đình phải dùng nước giếng. Vào mùa khô, giếng cạn thì chúng tôi phải chở nước từ chỗ khác về, vừa mất thời gian lại tốn công sức. Khi xã tuyên truyền về chủ trương sử dụng công trình nước tập trung, gia đình hoàn toàn ủng hộ. Từ khi có nước, mọi sinh hoạt: ăn uống, tắm giặt đều thuận tiện hơn. Hơn thế nữa, dù đã nhiều năm nhưng giá nước vẫn không thay đổi. Trung bình mỗi tháng, gia đình chúng tôi nộp từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy số khối nước đã dùng.

Cũng như gia đình chị Nông, nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Bằng Mạc đều phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước từ công trình, mọi người đều nhất trí với mức phí đề ra. Theo đó, hằng tháng hoặc hằng quý, trưởng thôn sẽ thu phí sử dụng nước với mức 3.000 đồng/m3. Số tiền này sẽ góp vào quỹ chung phục vụ việc bơm nước và bảo trì máy móc, đường ống. Từ năm 2012 đến nay, công trình đã hoạt động hiệu quả, đảm bảo cấp nước cho hơn 200 hộ thuộc 4 thôn: Khòn Nưa, Nà Pe, Khau Tao, Nà Mó.

Ngoài công trình cấp nước tại xã Bằng Mạc, công trình cấp nước thu phí tại xã Hồng Phong, huyện Bình Gia cũng đạt hiệu quả sử dụng cao. Năm 2013, được nhà nước hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng, nhân dân khu Văn Mịch, thôn Nà Háng, Nà Ven đã góp ngày công xây dựng một công trình cấp nước tập trung với 3 bể chứa nước.

Ông Vương Văn Son, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Khi công trình mới được xây dựng, nhiều người dân hoài nghi về hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi đã xuống các thôn tuyên truyền, giải thích cụ thể, đồng thời chủ động đề xuất phương án mỗi hộ sử dụng sẽ tự chi trả phí lắp đường ống và đồng hồ đo nước. Cùng với đó, xã lập tổ quản lý hằng quý phụ trách việc theo dõi và thu phí sử dụng nước. Từ năm 2014, công trình đi vào hoạt động, mức phí duy trì 2.500 đồng/m3, riêng các trường học là 1.500 đồng/m3. Qua nhiều năm, công trình đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 233 hộ.

Trên địa bàn tỉnh có 370 công trình cấp nước tập trung, việc sử dụng đồng hồ đo lưu lượng nước để theo dõi thu phí còn rất hạn chế, chỉ có hai công trình ở Bằng Mạc và Hồng Phong đi vào sử dụng ổn định lâu dài. Hiện nay, công trình cấp nước ở xã Đồng Bục (huyện Lộc Bình) và xã Xuất Lễ (huyện Cao Lộc) đã bắt đầu lắp đồng hồ đo nước để thu phí.

Ông Nguyễn Quang Huynh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh cho biết: Mô hình cấp nước ở xã Bằng Mạc và xã Hồng Phong đã được triển khai hiệu quả qua nhiều năm. Các xã đã lập tổ tự quản với cách thức hoạt động riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho người dân. Bên cạnh hai công trình sử dụng đồng hồ đo nước để thu phí trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng có những mô hình cấp nước tự quản đóng phí chung hằng tháng để vận hành và bảo trì (mỗi hộ đóng 10.000 đồng/tháng). Việc đóng phí nhằm tăng trách nhiệm, nâng cao ý thức sử dụng và bảo quản công trình của người dân. Từ đó góp phần phát huy hiệu quả công trình cấp nước.

Thực tế cho thấy nhiều công trình cấp nước tập trung ở nông thôn chưa phát huy được hiệu quả sử dụng. Tình cảnh “cha chung không ai khóc” khiến nhiều công trình xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí lớn. Để nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình cấp nước tập trung, thiết nghĩ các cấp, ngành cần tích cực tuyên truyền, từng bước tạo chuyển biến trong nhận thức cho người dân, việc sử dụng nguồn nước cần chuyển từ phục vụ sang dịch vụ. Và bởi thế, những mô hình cấp nước sạch thu phí sử dụng như tại xã Bằng Mạc hay Hồng Phong cần được nhân rộng để góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hướng tới sử dụng nguồn nước sạch bền vững.

Mai Trang (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Mô hình thu phí nước sạch nông thôn hiệu quả