Theo số liệu thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Trong đó, có 60% làng nghề tập trung khu vực phía Bắc, miền Trung chiếm khoảng 23,6% và miền Nam chiếm khoảng 16,6%. Hiện các làng nghề phát triển đang theo hình thức tự phát, tình trạng ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tái chế chất thải, trong Báo cáo rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa ra một số nhóm giải pháp. Trước mắt là các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ các hộ kinh doanh, tái chế chất thải nhựa. Trong đó, vấn đề xử lý nước thải đối với từng hộ gia đình được triển khai thực hiện bằng cách xây một hố ga lắng sơ bộ các chất lơ lửng nhằm giảm lượng bùn ở cống rãnh thoát nước chung. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải được dẫn ra là các ao hồ tự nhiên. Người dân có thể tận dụng các ao hồ để xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học.
Về xử lý khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí tại các cơ sở tái chế nhựa thì lắp đặt hệ thống quạt thông gió trong các nhà xưởng sản xuất để loại bỏ ô nhiễm hữu cơ bằng tháp than hoạt tính trước khi xả ra môi trường.
Rác thải ở làng nghề nhựa có thể giải quyết theo hướng tạo ra các loại vật liệu mới từ hỗn hợp các loại nhựa thải kém phẩm chất. Việc tái sinh chất dẻo theo phương pháp mới cho phép chế biến tất cả các loại vật liệu chất dẻo có điểm nóng chảy khác nhau từ 60 – 400oC. Phương pháp này còn cho phép trộn thêm vào chất dẻo thải tới 50% nhiều loại vật liệu thải khác như cao su, mùn cưa, giấy… Các vật liệu mới này có thể được ép hay đúc gia công trong máy ép đùn.
Về lâu dài, thì cần phải áp dụng giải pháp sản xuất sạch hơn cho làng nghề tái chế nhựa. Chú trọng cải tiến kỹ thuật từ khâu trộn bột màu với hạt nhựa giúp giảm được lượng bột màu phát tán đến cải tiến máy xay nhựa nhằm tăng hiệu quả gia công, giúp tăng năng suất, giảm tiêu hao nước, khi đó lượng nước thải ra môi trường sẽ giảm. Ưu tiên tuần hoàn nước làm nguội để cấp cho quá trình giặt, xay nghiền nhựa giúp tiết kiệm nước.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân làng nghề tái chế chất thải hiểu được những tác hại trong sản xuất gây ra với chính họ và cộng đồng, buộc họ sẽ thay đổi nhận thức trong bảo vệ môi trường làng nghề…
Người dân thôn Xà Cầu phải trực tiếp làm việc trong môi trường ô nhiễm.
Tiến sĩ Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách công nghiệp cho biết, mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: Ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường…
Để giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chéo, phân định chưa rõ ràng.
Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Dương Đình Giám, chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình.
Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc địa bàn của xã. Các hộ gia đình sẽ được cho thuê đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vốn xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn gặp khó khăn về quỹ đất để bố trí mặt bằng cho việc di dời này.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia môi trường khác nhấn mạnh, để giải quyết triệt để ô nhiễm môi trường các làng nghề cần phải xây dựng quy hoạch lang nghề gắn với bảo vệ môi trường.
Đây là giải pháp quan trọng nhất, bởi thực tế hiện nay đa số làng nghề đều tập trung ở khu vực đông dân cư, dẫn đến khó mở rộng sản xuất, đồng thời ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến người dân nặng nề hơn.
Vì vậy, các địa phương cần sớm có quy hoạch làng nghề để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời, các khu vực này phải xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Đông (Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Mỏ – Địa chất) cho biết, “Làng tái chế” vốn là vấn đề nan giải, công tác quản lý liên quan đến nhiều ngành như môi trường, công thương, địa phương.. Trước đây, Hà Nội đã triển khai nhiều bước di dời các cơ sở vào cụm công nghiệp nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì các hộ thường xuyên trốn tránh.
Trong khi đó, vấn nạn phế phẩm không được thu gom xử lý đúng cách, bị vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống và hệ sinh thái khu vực ngày càng trầm trọng. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải sòng phẳng với môi trường trước khi quá muộn.
Chúng ta không thể đưa ra lý do lo ngại người lao động ở các “làng tái chế” mất việc để bao biện khi thực chất, chỉ có các chủ xưởng mới là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.
Người lao động thủ công chỉ nhận được thu nhập thiếu ổn định, các chế độ phúc lợi xã hội, bảo hộ sức khỏe lao động lúc ốm đau, làm việc trong môi trường độc hại… gần như không có. Chính vì vậy, Nhà nước phải yêu cầu DN nâng cấp quy mô, quy trình, áp dụng công nghệ và phải được xem là trách nhiệm bắt buộc.
Nếu 1 cơ sở không đủ năng lực, tài chính thì 2 – 3 hay 10 cơ sở phải cùng nhau đóng góp, hợp nhất để thành lập ra một DN đủ khả năng đáp ứng các quy định. Qua đó tạo ra cơ chế đào thải đối với những cá nhân, tổ chức không đáp ứng mục tiêu chung, quyết “không đổi môi trường lấy kinh tế”. Chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm, tránh nể nang, o bế.
TS Bùi Đức Hiển (Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật) thông tin, tại Hà Nội, những khoản chi phí đắt đỏ cho mặt bằng, thuế, phí… là lý do chủ yếu khiến nhiều người né tránh đưa cơ sở thu gom, tái chế của mình vào cụm công nghiệp, làng nghề. Chính vì những yêu cầu thực tế rất riêng của “tín dụng xanh”, “trái phiếu xanh” tương lai, người dân cần hơn nữa động lực để tham gia vào sơ đồ phát triển chung.
Trong đó, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí, các cơ chế về trợ giá sản phẩm, nguyên liệu. Những vấn đề này được quy định khá rõ ràng tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn bối rối, hoặc cố ý triển khai chậm để làm “luật” diễn ra ở không ít địa phương có “làng tái chế”.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò của của Nhân dân (lực lượng đặc biệt quan trọng quyết định thành bại phát triển kinh tế tuần hoàn) ở vị trí giám sát, soi chiếu các DN, cơ quan Nhà nước liên quan trong thực thi, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, bảo vệ môi trường đối với các mô hình, dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn.
Từ đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cụ thể đối với DN, cơ quan quản lý Nhà nước nếu để xảy ra vi phạm, thực hiện thiếu hiệu quả gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường đối với những cơ sở, dự án tái chế rác thải.
Lò đốt rác công nghiệp sẽ giúp hạn chế tối đa được việc ảnh hưởng tới môi trường và con người.
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho biết, trước thực trạng môi trường đáng báo động và để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề cô đúc nhôm Mẫn Xá – xã Văn Môn, chúng tôi đã nghiên cứu thực trạng và đề xuất với UBND tỉnh Bắc Ninh một số nhóm giải pháp hữu hiệu.
Cụ thể, với “Giải pháp quản lý và xử lý chất thải rắn làng nghề tồn đọng và phát sinh mới” chúng tôi đề xuất cấp trên giao UBND huyện Yên Phong đẩy nhanh tiến độ lập Dự án đầu tư thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tồn đọng tại xã Văn Môn theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Ninh; khẩn trương đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải làng nghề xã Văn Môn.
Ở cấp xã, phương án Văn Môn sẽ thành lập đội tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề; xây dựng phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và kế hoạch chuyển đổi ngành nghề, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề trình UBND huyện phê duyệt; yêu cầu các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề thực hiện công tác phân loại, loại bỏ tạp chất lẫn trong phế liệu trước khi đem tái chế và ký cam kết về việc không đổ chất thải sản xuất bừa bãi, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời và ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực thu gom, xử lý chất thải phát sinh hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ.
Lập phương án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải một cách phù hợp theo quy định quản lý chất thải; thành lập hợp tác xã dịch vụ môi trường để thu gom, vận chuyển chất thải làng nghề mới phát sinh và ký hợp đồng xử lý với đơn vị có chức năng.Mở thêm các điểm đổ thải tập trung để người dân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất tạm thời đổ xỉ thải vào; tổ chức họp dân và thống nhất với người dân về việc tạm thu một mức phí/kg chất thải để có thể chi trả kinh phí thu gom, xử lý lượng chất thải phát sinh.
Đồng thời xây dựng quy chế quản lý chất thải rắn làng nghề phát sinh mới của xã Văn Môn; yêu cầu lực lượng Công an xã thực hiện giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định, quy chế của làng nghề và pháp luật về bảo vệ môi trường. Lập dự án, tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát các tuyến đường chính ra vào các khu vực làng nghề và khu vực bãi thải hiện tại trong làng nghề, giao cán bộ có trách nhiệm trực online 24/24h, kết nối đường truyền về Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bắc Ninh, Công an huyện Yên Phong và Công an xã Văn Môn.
Còn với “Giải pháp về quản lý nguồn nguyên liệu, phế liệu đầu vào”, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cấp trên giao lực lượng Công an tỉnh chủ trì phối hợp với UBND huyện Yên Phong khẩn trương có biện pháp ngăn chặn việc đưa phế liệu nhôm là chất thải công nghiệp chưa qua xử lý, dầu thải về cô đúc tại khu vực làng nghề, đặc biệt ngăn chặn việc đưa tro, xỉ phát sinh từ các nhà máy sản xuất nhôm từ nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh về khu vực làng nghề để tận thu và đổ thải, có phương án bố trí khu vực lưu giữ tang vật vi phạm an toàn đối với môi trường; thành lập tổ liên ngành lập chốt 24/24h kiểm tra các phương tiện vận chuyển phế liệu ra, vào làng nghề Mẫn Xá và xử lý nghiêm các cơ sở vận chuyển phế liệu vào địa phương mà không có hợp đồng với đơn vị có dây chuyền tái chế được cấp phép theo luật định.
Ở “Giải pháp về xử lý khí thải”, Sở đề xuất cấp trên giao UBND huyện Yên Phong yêu cầu các cơ sở tái chế kim loại trong làng nghề Mẫn Xá phải đầu tư hệ thống xử lý khí thải đảm bảo quy định mới được phép hoạt động. Kinh phí lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa hệ thống xử lý khí thải do chủ các cơ sở chịu trách nhiệm chi trả; chỉ đạo các Sở, ngành, UBND huyện Yên Phong đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các hộ gia đình, cơ sở sản xuất theo kế hoạch hoặc đột xuất; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hộ gia đình, cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo qui định của pháp luật; tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân tại làng nghề Mẫn Xá chuyển hoạt động sản xuất vào cụm công nghiệp, tiến tới kế hoạch di dời toàn bộ các cơ sở sản xuất trong làng nghề vào cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung.
Tin rằng, với việc vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương cùng với ý thức của người dân ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng tái chế sẽ được khắc phục.