(Moitruong.net.vn) – Nhiều năm gần đây, hiện tượng một số người dân chặt phá rừng lấn chiếm đất rừng đầu nguồn để trồng các loại cây như Quế, Bồ đề,… diễn ra rất phổ biến trên đị bàn xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Tại khu rừng phòng hộ đầu nguồn nằm trên địa phận của 2 thôn Lương Hải 1, Lương Hải 2 và thôn Vuộc thuộc xã Lương Sơn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang bị chặt phá hơn chục ha để lấy đất làm nương rẫy. Rừng bị chặt phá chủ yếu là rừng vầu nguyên sinh và các loại cây gỗ tạp, có nhiều cây gỗ lớn đường kính 50 – 60 cm cũng bị chặt phát và đốt cháy. Một số người dân tận dụng những cây gỗ có đường kính lớn để đem bán cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn huyện Bảo Yên hoặc mang về xẻ thành những tấm ván.
Toàn xã Lương Sơn đa số là người dân tộc thiểu số chủ yếu dân tộc H’mông, Tày, Kinh, những hiểu biết về bảo vệ rừng còn hạn hẹp, chưa nhận thức rõ tác hại từ việc phá rừng. Công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng của địa phương còn hạn chế.
Dãy Voi đang bị trơ tróc từng mảng
PV Moitruong.net.vn có dịp được đặt chân lên dãy con Voi hùng vĩ nhưng những cảnh trước mắt của chúng tôi về dãy Voi từ vài năm về trước đã không còn. Thay cho lá phổi xanh ngày nào giờ đây dãy Voi đang bị trơ tróc từng mảng. Những con đường uốn lượn quanh co giữa lưng chừng núi rộng chừng 3m mặt đường hằn vết bánh xe tải. Thi thoảng lại có xe lên xe xuống.
“Chúng tôi mở đường lên núi để tiện cho việc vận chuyển khai thác một số cây gỗ và chở sắn, ngô, các loại cây hoa màu ra ngoài đường lớn. Ở đây là giữa dãy núi Voi rồi giờ mà vác xuống như trước thì xuống tới bản có mà lăn ra đấy” Một người dân đang phát nương tại đây cho biết.
Trò chuyện với người dân xã Lương Sơn, chúng tôi được cho biết mặc dù người dân biết việc chặt phá rừng là vi phạm pháp luật và cũng đã được chính quyền địa phương nhắc nhở. Nhưng vì không có đất canh tác nên họ đành phải phá rừng để lấy đất sản xuất và sinh sống.
Theo ghi nhận của PV Moitruong.net.vn, một số người dân sau khi phát rừng làm nương chủ yếu họ trồng quế, bồ đề và một số cây lâm nghiệp khác, về mặt hàng nông sản thì chủ yếu trồng các loại cây như sắn, ngô…
Trao đổi về vấn đề này ông Hoàng Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: UBND xã Lương Sơn cũng đã nhận được thông tin vụ việc trên, cũng đã cử tổ công tác bảo vệ rừng đi kiểm tra xem xét và đã lập biên bản các hộ dân vi phạm và giao cho bên kiểm lâm xử lý. Xã cũng đã họp giao ban và triển khai đến các thôn bản về việc bảo vệ rừng. Về phía UBND xã cũng làm công văn gửi các thôn bản và đề nghị tổ công tác bảo vệ rừng phối hợp với kiểm lâm địa bàn trực tiếp đi kiểm tra và ngăn chặn nạn phá rừng.
… và những hệ lụy
Hàng trăm hộ dân sinh sống dưới dãy núi, tất cả nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp đều từ trên thượng nguồn đổ về. Rừng đầu nguồn là nơi lưu giữ nguồn nước quan trọng này. Nếu việc chặt phá rừng còn tiếp diễn thì nguy cơ mất nguồn nước sạch là rất lớn, diện tích rừng ngày càng thu hẹp và nguồn nước sẽ ít đi.
Bên cạnh đó, trong khi canh tác bà con dùng thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ cỏ, trừ sâu… Sau khi được tiếp ứng ra môi trường, các chất độc hại sẽ ngấm xuống đất và đi vào nguồn nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng và làm thoái hóa môi trường sinh thái. Ngoài ra việc phá rừng sẽ làm mất lớp phủ bề mặt bền vững cho mặt đất, đất mặt bị sói mòn rửa trôi, gây trượt đất, sạt lở, lũ ống, lũ quét vào mùa mưa.
Ông Hoàng Văn Thìn, Chủ tịch xã Lương Sơn cho biết, đã tiến hành lập biên bản được 3 hộ gia đình có hành vi phát rừng, chồng lấn đất rừng phòng hộ
Năm 2012 tại xã Lương Sơn cũng đã xảy ra cơn lũ lịch sử cuốn trôi một số nhà và đất đá trôi từ thượng nguồn tràn về vùi lấp nhiều hoa màu của người dân, gây sạt lở một số nơi trên địa bàn
Để bảo vệ rừng và phòng chống tác hại từ việc phá rừng cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để những cánh rừng còn lại sẽ mãi mãi xanh tươi.
Qua đó nhận thấy công tác bảo vệ rừng tại địa bàn còn lỏng lẻo, chưa nắm bắt rõ các thông tin về việc phá rừng và đưa ra xử lý. Các lực lượng Công an xã cần phối hợp chặt chẽ để có biện pháp ngăn chặn mọi hành vi đe dọa đến sự tồn tại và phát triển của rừng. Đặc biệt chính quyền địa phương cần thực hiện hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong việc tổ chức PCCC, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trong nhân dân.
Hoàng Đình Tưởng