Lào Cai: Những đồi quýt bạc tỷ ở huyện vùng cao biên giới Mường Khương

Minh Anh (t/h)|18/10/2019 12:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 15 năm trước, cây quýt bén duyên mảnh đất vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, giờ đây là cây bạc tỷ giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Cây quýt giờ đây không chỉ là cây bạc tỷ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

15 năm trước, cây quýt bén duyên mảnh đất vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai, từ một người nông dân Tu Dí Làn Mậu Thành, thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương. Chẳng ai nghĩ và cũng chả ai dám tin rằng tại mảnh đất mà ngay cả cây lúa, cây ngô còn “gặt” lấy thất bát này có ngày lại là nơi sinh sôi của cây ăn quả. Giờ thì hàng trăm gia đình người Tu Dí, Pa Dí, người Dao ở Mường Khương đã chuyển sang trồng quýt.

Những cây giống lần lượt bén rễ, ra hoa, kết trái khắp thị trấn Mường Khương, rồi các xã Tung Chung Phố, Pha Long, Tả Gia Khâu, Tả Ngải Chồ… mà người nông dân chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm.

Quýt Lào Cai

Những ngày giữa tháng 10, nắng vàng trải đều trên những nương đồi, sườn núi ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trời xanh, ráo, gió đan qua nương quýt chín trên lưng chừng đồi. Dọc con đường bê tông uốn lượn vắt mình qua các thôn Sả Hồ, Chúng Chải… dễ thấy những đồi quýt sai trĩu quả, hương thơm vấn vít, ngọt ngào. Người dân tấp nập đóng gói quýt vận chuyển xuống chợ hoặc đưa đi xa theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh.

Đây là những đồi quýt chín sớm (thu hoạch từ tháng 8-10) do chính quyền huyện Mường Khương hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng và chăm sóc với diện tích 20 ha, năng suất trung bình 10 tấn/ha, giá trị thu nhập đạt 150 triệu đồng/ha, mang lại nguồn lợi không nhỏ so với quýt chính vụ.

Trong khi nhiều đồi quýt ở huyện Mường Khương còn đang xanh quả thì trên 2.500 gốc quýt chín sớm của vợ chồng anh Sền Pờ Diu thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương đã cho thu hoạch. Len lỏi giữa những gốc quýt sai quả, chị Pờ Thị Sen – vợ anh Diu cẩn thận cúi xuống, tay lựa nhẹ nhàng, tay kéo bấm, thảy từng chùm chím vào chiếc gùi trên lưng. Giống quýt chín sớm được trồng không chỉ mang lại hiệu quả cao gấp 7-10 lần trồng ngô, việc cây quýt cho thu hoạch sớm gần 2 tháng cũng cho giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ.

Tính đến nay, các xã rẻo cao biên giới của huyện Mường Khương đã có hơn 448 ha quýt, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 1.200 tấn quả, thu về hơn 20 tỷ đồng. Điều quan trọng là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao đã phát huy được lợi thế khí hậu, đất đai để xây dựng được vùng hàng hóa có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận, tạo việc làm và nguồn thu ổn định.

Hiện nay toàn huyện Mường Khương có 212 ha quýt đạt tiêu chuẩn sản xuất theo VietGAP. Lợi thế của Mường Khương là nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới thích hợp với các loại cây có múi. Do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, sương mù và độ ẩm cao nên chất lượng quýt được trồng ở đây vượt trội hơn: quả to, mọng nước, vị ngọt, thơm đặc trưng.

Để giữ vững thương hiệu quýt Mường Khương, ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết, địa phương sẽ tiếp tục duy trì diện tích quýt sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện có đồng thời hướng dẫn nhân dân áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ diện tích. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu thường xuyên của người tiêu dùng.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu, hằng năm huyện Mường Khương mở “Lễ hội quýt” kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ quýt cho người dân địa phương.

Ngoài ra, để tránh áp lực khi tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, Mường Khương sẽ tiếp tục phát triển vùng quýt theo hướng tập trung mở rộng diện tích quýt chín muộn để rải vụ sản xuất. Đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ quýt với người sản xuất theo chuỗi giá trị tạo đầu ra ổn định cho người sản xuất.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lào Cai: Những đồi quýt bạc tỷ ở huyện vùng cao biên giới Mường Khương