LHQ kêu gọi các quốc gia dừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch

Ngọc Ánh (t/h)|15/10/2020 10:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Các quốc gia đã thảo luận những biện pháp ngăn cản ngành công nghiệp dầu mỏ, than đá và khí đốt phát thải gây ra tình trạng biến đổi khí hậu.

Trong báo cáo thường niên về thị trường năng lượng trong những thập niên tới công bố ngày 13/10, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng chỉ có đầu tư lớn vào năng lượng sạch mới có thể giúp các nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời tạo đòn bẩy để thế giới đạt được mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu. Theo IEA, khi cân nhắc các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, các chính phủ có thể thúc đẩy các mục tiêu khí hậu bằng cách hướng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch.

Trước đó ngày 12/10, tổ chức môi trường Urgewald có trụ sở tại Berlin (Đức) công bố báo cáo cho thấy Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư 12 tỷ USD vào nhiên liệu hóa thạch kể từ năm 2015 đến nay.

Trong số đó có 10,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào các dự án mới. Cố vấn cấp cao của Urgewald và là tác giả báo cáo, ông Heike Mainhardt, cho biết các khoản đầu tư của WB vào nhiên liệu hóa thạch cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng phát triển khác trên thế giới.

Khi thế giới đang hướng tới sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều hơn mức tương ứng với các mục tiêu đã cam kết trong Hiệp định Paris, báo cáo đặt câu hỏi tại sao WB lại giúp gia tăng sản lượng dầu và khí đốt ở các nước như Mexico, Brazil và Mozambique.

Về phần mình, WB cho rằng báo cáo trên đã đưa ra một “quan điểm méo mó và không có cơ sở”, đồng thời khẳng định họ đã cam kết cấp gần 9,4 tỷ USD cho năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng ở các nước đang phát triển từ năm 2015-2019. WB lưu ý báo cáo cũng đã bỏ qua việc ngân hàng này giúp đỡ khoảng 789 triệu người sống không có điện, chủ yếu ở vùng nông thôn châu Phi và châu Á.

Theo nghiên cứu mới đây của tổ chức môi trường toàn cầu Greenpeace Southeast Asia, có trụ sở tại Jakarta (Indonesia) cho thấy, ô nhiễm không khí toàn cầu từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch sẽ gây tổn thất 8 tỉ USD mỗi ngày, nhiều hơn 3% giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra hàng ngày.

Một nhà máy nhiệt điện than ở Kentucky, Mỹ

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than đá, dầu và khí đốt, là nguyên nhân dẫn tới khoảng 4,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, nhiều gấp ba lần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ.

Từ đó các hành động kêu gọi giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã nổi lên trên toàn thế giới kể từ khi gần như tất cả các quốc gia đồng thuận chung tay giải quyết vấn đề Trái Đất ấm lên vào năm 2015 thông qua nỗ lực hạn chế sự gia tăng nhiệt độ và tàn phá thiên nhiên, vốn được cho là nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan, bão, cháy rừng và kết quả là gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ngọc Ánh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
LHQ kêu gọi các quốc gia dừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch