Liên kết sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới

Trương Anh Sáng|21/04/2018 07:08
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang đã triển khai liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, do cơ chế chính sách còn chưa hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp có năng lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo mô hình cánh đồng lớn. Hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đa dạng đã ảnh hưởng đến chất lượng, tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông thôn mới.

Sự phối hợp giữa nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp được gắn kết sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng, đầu ra của sản phẩm bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2017 đã có chuyển biến mạnh mẽ, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Các huyện, thị xã, thành phố đã quan tâm hơn và tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung trọng điểm trên địa bàn. Nhiều chính sách, tiêu chí về nông thôn mới được tiếp tục hoàn thiện đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Có được những kết quả nổi bật đó là sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn những năm qua của người dân đã có những bước phát triển tích cực; hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn được đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng tích cực… tạo nên những thay đổi lớn trong xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế trong sản xuất dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, làm ảnh hưởng đến phong trào xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân phá vỡ hợp đồng còn nhiều. Hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đa dạng, chưa có sự tham gia liên kết của các chủ thể quan trọng: Nhà khoa học, ngân hàng, hệ thống chế biến, bảo quản nông sản chưa đáp ứng yêu cầu cả về quy mô và thiết bị công nghệ.

Đồng thời, một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu sự liên kết hoặc có liên kết nhưng thiếu sự bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu liên kết theo hình thức thương thảo, thuận mua vừa bán.

Nhận thức về sự phối hợp thực hiện chuỗi liên kết của chính quyền địa phương có nơi chưa thông suốt, chưa thật sự quan tâm và hỗ trợ Hợp tác xã trong tổ chức chuỗi liên kết, một số chính sách hỗ trợ cho Hợp tác xã còn thấp, chưa thiết thực, chưa kịp thời nên chưa khuyến khích thành viên tham gia chuỗi liên kết.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo các xã về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào xây dựng nông thôn mới và trực tiếp tham gia bàn bạc, thực hiện các dự án, công trình liên kết sản xuất.

Tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí về nông thôn mới theo hướng giữ chuẩn quốc gia, không chạy đua theo thành tích, hình thức mà hạ thấp tiêu chí. Đối với những xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới không có nghĩa là dừng lại, là đã thỏa mãn mà phải tiếp tục phấn đấu, tiếp tục vươn lên bởi mục tiêu không phải để đạt thành tích mà xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài, là sự phát triển bền vững nông thôn, là tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là nâng cao thu nhập và môi trường, điều kiện, chất lượng sống của cư dân nông thôn.

Trương Anh Sáng


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Liên kết sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.