Lúa đầu nguồn sông Cửu Long chết vì nhiễm mặn

Hoàng Nguyên (T/h)|25/05/2020 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nạn lúa chết đồng loạt trên diện rộng đã dồn đẩy hàng trăm nhà nông huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) vào thế chân tường khi phát hiện nguyên nhân vì nhiễm mặn…

Đầu tư lớn mà lúa vẫn mất trắng

“Sau thời gian phát triển bình thường, sau đó vô nước xong, cây lúa chuyển sang mùa đỏ. Dù bón, phun nhiều loại thuốc nhưng cây lúa vẫn đồng loạt chết, chết sạch” – ông Lê Văn Xương (SN 1963) chia sẻ về đám ruộng 50 công tại cánh đồng thuộc địa phận khóm 3, thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) đã hành ông suốt tháng nay. Bởi sau lần chết đó, không đành lòng nhìn thửa đất thuê “bỏ trống”, ông Xương tiếp tục xuống giống lần 2. Nhưng rồi cây lúa tiếp tục chết sạch sau khi ngốn tổng cộng 60 triệu đồng chi phí.

Chiều 20.5, ông Xương tiếp tục giống lần thứ 3 với hy vọng duy nhất là kiếm đủ lời để bù đắp cho khoản đầu tư đã mất trắng trong 2 lần xuống giống trước đó và một phần tiền thuê đất.

Phần còn lại của 17 công lúa của anh Nguyễn Văn RuBi. Ảnh: Lục Tùng

Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Rubi (khóm Thượng 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) cũng đứng ngồi không yên khi 17 công ruộng của anh chỉ trong 1 tháng đã chết 2 lần với những triệu chứng giống hệt như ruộng ông Xương. Đây cũng là tình cảnh của hàng trăm hộ dân đang canh tác lúa tại cánh đồng 2.600ha thuộc thị trấn Thường Thới Tiền và Thường Phước 2.

Anh Ca Hữu Tâm – người có nhiều kinh nghiệm trồng lúa ở Thường Phước 2 – cho biết, qua trao đổi cộng với khảo sát thực tế, bước đầu xác định có cả trăm hécta đất có lúa bị chết không loại phân thuốc hay kinh nghiệm nào cứu được. Xuất hiện không đồng đều, nhưng lúa chết chủ yếu tập trung tại 4 địa điểm: Giồng Nen (Mương Út Gốc), Đìa Rúng, kênh Sườn Lung Tượng và khu trạm bơm thuộc vực sau lưng UBND thị trấn Thường Thới Tiền cũ.

Theo anh Tâm, tất cả lúa chết đều có triệu chứng giống nhau là rễ bị thối, sau đó thân chuyển sang màu đỏ rồi chết khô. Đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Lúa chết hàng loạt do đâu?

Theo ng Phạm Hồng Cường – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Hồng Ngự – xác nhận, có hiện tượng lúa chết hàng loạt như nhiều nông dân đã phản ánh. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến lúa chết là do thiên tai với thời tiết cực đoan gây ra.

Sau khi phát hiện, phòng đã báo cáo và được Sở NNPTNT Đồng Tháp cử bộ phận chức năng xuống. Qua kiểm tra, đánh giá bước đầu của các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, nông dân để ruộng khô làm xì phèn khiến lúa chết. Nên giải pháp đề xuất cứu lúa là thay nước mới vào ruộng rửa phèn, bón vôi…

Ông Lâm Văn On (huyện Long Phú, Sóc Trăng) chuyển từ sản xuất lúa sang hoa màu bằng cách trữ nước ngọt. Ảnh: Tuấn Quang

Tuy nhiên, nhiều lão nông tri điền ở đây thì quả quyết, cây lúa chết là bị nhiễm mặn do các hoạt động của người nuôi cá sử dụng thức ăn công nghiệp gây ra. Cụ thể, hàng ngày, hàng chục hộ nuôi cá quy mô lớn xả nước thải vào kênh mương cung cấp nước cho đồng lúa. Từ nghi ngờ này, nông dân trong khu vực này đã mời một nhóm kỹ sư nông nghiệp đến khảo sát độc lập. Sau khi khảo sát nhiều yếu tố, kết quả thật bất ngờ khi xác định cây lúa chết do bị nhiễm mặn vượt ngưỡng sinh lý cây trồng.

Đây thực sự là câu chuyện khó tin, bởi Hồng Ngự là đầu nguồn sông Cửu Long, cách bờ biển Tây (nguồn nước mặn gần nhất) khoảng 200km. Nhưng những hình ảnh về độ mặn được đo vào ngày 15.5 tại nhiều đám ruộng trong khu 2.600ha, cho thấy: Độ mặn trên ruộng lúa chết dao động 3-6 phần nghìn, còn nước dưới kênh mương cũng có độ mặn 1 phần nghìn.

Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên – chuyên gia nghiên cứu độc lập về nông nghiệp ở Đồng Tháp – nói rằng: Khu vực Thường Thới Tiền có cao trình bình quân 3,5m nên nước mặn chưa thể tới được. Và ông cũng không bỏ qua nghi vấn về sự nhầm lẫn giữa phèn và mặn.

Tuy nhiên, ông Tuyên cũng nghĩ đến xu hướng mặn có thể xuất hiện từ hoạt động nuôi cá. Ông Tuyên cho biết: “Kết quả đo đạc của nhóm nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ dưới sự chủ trì của tiến sĩ Trần Kim Tính cho thấy, nước tại các ao nuôi cá có độ mặn 6 phần nghìn. Điều này không có gì bất ngờ bởi trong thành phần thức ăn chăn nuôi thủy sản luôn có lượng muối chiếm 1-2% trọng lượng”.

Nhưng ông Tuyên cũng cho rằng, cái chết của cây lúa trong trường hợp này có thể đến từ sự cộng hưởng giữa hai yếu tố nhân tai và thiên tai: Nước mặn kết hợp cùng thời tiết nắng gắt, nền nhiệt độ cao đã làm cho cây lúa chết nhanh hơn.

Hoàng Nguyên (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Lúa đầu nguồn sông Cửu Long chết vì nhiễm mặn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.