Mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm
Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), trong tuần từ ngày 5 đến 11/4, tình hình xâm nhập mặn tại các cửa sông thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm.
Dự báo trong tuần tới, xâm nhập mặn có thể gia tăng trở lại ở một số khu vực. Cụ thể, ranh mặn 4g/l được dự đoán đạt mức cao nhất từ 38–43km tại các cửa sông Cửu Long, từ 65–70km trên sông Vàm Cỏ và từ 35–40km trên sông Cái Lớn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, xâm nhập mặn tại các cửa sông lớn đã qua đỉnh điểm. Dòng chảy từ thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long được dự báo sẽ tăng mạnh từ nay đến hết tháng 4, góp phần làm giảm dần tình trạng xâm nhập mặn.
Trong bối cảnh đó, khu vực cách biển từ 30–40km được đánh giá sẽ thường xuyên xuất hiện nước ngọt, thuận lợi cho việc vận hành các công trình thủy lợi nhằm lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhu cầu dân sinh. Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi khuyến cáo các địa phương trong vùng tiếp tục theo dõi sát diễn biến thủy văn và chủ động tận dụng thời điểm triều thấp để tăng cường lấy nước.
Ở một diễn biến khác, tại khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi hiện đạt khoảng 40% so với thiết kế. Toàn vùng ghi nhận 48 hồ cạn nước, trong đó tỉnh Kon Tum có 10 hồ, Đắk Lắk 21 hồ và Đắk Nông 17 hồ.
Riêng tại tỉnh Gia Lai, hơn 152ha lúa nằm ngoài vùng tưới thuộc các huyện Đak Đoa, Chư Sê, Kbang đã bị hạn hán do không được cấp nước từ hệ thống thủy lợi. Diện tích này được khuyến cáo ngừng sản xuất ngay từ đầu vụ đông xuân 2024–2025 do nguồn nước không đảm bảo.