Như Moitruong.net.vn đã đăng tải trong bài viết trước, phản ánh Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Tam Sơn (Công ty Tam Sơn) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép để thực hiện dự án khu nhà ở Tam Sơn tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh từ năm 2008. Thế nhưng đã gần 15 năm trôi qua từ khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội, dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu” gây lãng phí tài nguyên đất, thất thu ngân sách, gây bức xúc trong dư luận. Cùng với đó là xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp, không có hồ sơ pháp lý về môi trường và hệ thống xử lý môi trường theo quy định.
Để có thông tin liên quan đến công tác quản lý nhà nước của UBND huyện Mê Linh trong việc kiểm tra, xử lý thông tin báo chí phản ánh, phóng viên đã có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh. Bà Phạm Thị Bích Liên – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Mê Linh cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về dự án của công ty Tam Sơn cho các đơn vị thuê hoạt động sử dụng đất sai mục đích, UBND huyện đã giao phòng TNMT kiểm tra, báo cáo huyện. Phòng TNMT đã gọi điện trực tiếp cho UBND xã Tiền Phong yêu cầu, kiểm tra, báo cáo. Công ty Tam Sơn là 1 trong các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện, về nội dung này, năm 2021 đoàn thanh tra liên ngành Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thanh, kiểm tra 60 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, ngoài ra còn 1 số đơn vị khác nữa, UBND huyện đã giao cho phòng TNMT kiểm tra, rà soát, trong đó có dự án của công ty Tam Sơn. Theo chức năng, nhiệm vụ, phòng đã tổng hợp và gửi danh sách các dự án chậm triển khai tới sở Tài nguyên và Môi trường, Sở đang lên kế hoạch kiểm tra với các dự án này. Ngoài ra, Huyện ủy Mê Linh đã thành lập ban chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm tập trung giải quyết các tồn tại đối với các dự án chậm triển khai, những khó khăn, vướng mắc thì báo cáo thành phố, đề xuất kiên quyết thu hồi nếu không đủ năng lực”.
“Công ty Tam Sơn được phê duyệt là dự án đô thị, nhà ở nhưng đã tự ý xây nhà xưởng cho các đơn vị thuê là hoàn toàn sai, sử dụng đất không đúng mục đích, do đó việc xác nhận đề án bảo vệ môi trường cho các đơn vị đó là sai nên UBND huyện không xác nhận”, bà Liên khẳng định.
Ngoài ra, bà Liên cũng cho biết các nhà xưởng này tồn tại từ những năm 2018, 2019, UBND huyện đã có nhiều văn bản giao cho Đội quản lý trật tự xây dựng huyện chủ trì, phối hợp với UBND xã kiểm tra, đề xuất báo cáo UBND huyện xử lý. Nội dung này tôi sẽ liên hệ với Đội quản lý TTXD xem hồ sơ xử lý cụ thể như thế nào rồi thông tin tới quý báo. Quan điểm của UBND huyện sẽ kiên quyết xử lý những vi phạm của công ty Tam Sơn.
Trao đổi với PV, ông Đào Văn Tuấn – Cán bộ địa chính xã Tiền Phong cho biết: “Sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh, ngày 05/7/2022 UBND xã đã làm việc với công ty Tam Sơn và các đơn vị vi phạm gồm ông Hoàng Quang Ánh, bà Hồ Thị Nga và bà Mai Thị Lụa. UBND xã đã yêu cầu 3 hộ sản xuất có kế hoạch di chuyển về khu vực đất được phép hoạt động”.
“Đối với xưởng sản xuất sơn tĩnh điện của ông Nguyễn Thành Chung, UBND xã Tiền Phong đã yêu cầu ông Chung tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất và sử dụng đúng mục đích đất được giao, thời gian xong trước ngày 30/07/2022. Giờ họ đã tháo biển, đóng cửa nhưng có lẽ vẫn lét lút hoạt động bên trong”, ông Tuấn thông tin.
Trước câu hỏi của PV về việc UBND xã có lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt công ty Tam Sơn, các đơn vị thuê đất và xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi chưa? ông Tuấn lấy lý do: “UBND xã không có chuyên môn, không có thiết bị quan trắc để đánh giá mức độ ô nhiễm nên chưa xử phạt”.
Theo phản ánh của người dân hiện các xưởng sản xuất tại công ty Tam Sơn và xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi vẫn hoạt động. Ghi nhận của PV cho thấy, các nhà xưởng thuê đất của công ty Tam Sơn, xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi vẫn hoạt động bình thường, chưa hề có động thái tháo dỡ, di dời. Đặc biệt xưởng sơn tĩnh điện Chung Nhi còn hoạt động nhộn nhịp hơn trước khi báo chí phản ánh. Sáng ngày 27/7/2022 tại cơ sở sơn điện Chung Nhi vẫn hoạt động bình thường. Do không có hệ thống xử lý bụi, mỗi khi công nhân sơn tĩnh điện những lớp bụi bay phủ khắp nơi, nhà xưởng chật chội, không đảm bảo an toàn lao động và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Trước việc cơ sở sơn tĩnh điện Chung Nhi tiếp tục hoạt động, bất chấp yêu cầu dừng hoạt động của xã Tiền Phong, PV đã thông tin tới ông Trần Văn Trung – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, ngay lập tức chiều cùng ngày, UBND xã đã chỉ đạo thôn Do Hạ ra làm việc yêu cầu Cơ sở sơn tĩnh điện Chung Nhi dừng ngay hoạt động, nếu vẫn tiếp tục hoạt động, không chấp hành UBND xã sẽ xử lý nghiêm cơ sở theo quy định của pháp luật.
Đề nghị UBND huyện Mê Linh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Tiền Phong vào cuộc xử lý dứt điểm những dấu hiệu vi phạm của các cơ sở nêu trên.