Đó là báo cáo ngày 23/7 của Bộ NN&PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ
Theo báo cáo, mùa khô năm 2018-2019, lượng mưa ở khu vực miền Trung hầu hết bị thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN). Đặc biệt, từ đầu vụ Hè Thu, tình trạng nắng nóng kỷ lục đã xảy ra liên tiếp, kéo dài, làm xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước ở nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn xuất hiện đang ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân vùng hạ du các sông: Cấm (Nghệ An), Gianh (Quảng Bình), Thạch Hãn, Bến Hải (Quảng Trị), Thu Bồn (Quảng Nam)…
Hạn hán kéo dài, nhiều diện tích sản xuất lúa, hoa màu ở miền Trung bị ảnh hưởng (ảnh: Dân Trí)
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, nếu nắng nóng gay gắt tiếp tục xảy ra đến cuối mùa khô (cuối tháng 7 ở khu vực Bắc Trung bộ, cuối tháng 8 ở khu vực Nam Trung bộ), toàn khu vực miền Trung sẽ có khoảng 65.500 ha (55.400 ha lúa, 10.100 ha cây hàng năm) bị hạn hán, thiếu nước. Cùng với đó, gần 140 nghìn hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương khu vực nêu trên, khẩn cấp xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô.
Về lâu dài, Bộ đề nghị các địa phương: cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…Cùng với đó, đề nghị các cơ quan hữu quan: rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa các lưu vực sông liên tỉnh để bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Mai Anh (T/h)