Mưa dông, lốc, sét làm hư hại hàng trăm ngôi nhà và hơn nghìn ha hoa màu ở miền Bắc

Hạ Vy|25/04/2024 12:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mưa dông, lốc, sét và mưa đá xảy ra từ đêm 23/4 đến ngày 24/4 đã khiến hàng trăm ngôi nhà ở các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá và Nghệ An bị hư hỏng, 19 trường học, điểm trường bị tốc mái và gần 1.600ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng và thiệt hại.

Tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết trong 3 ngày (19h/21/4-19h/24/4), khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa, tổng lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, một số trạm có tổng lượng mưa lớn hơn như: Bắc Quang (Hà Giang) 84mm; Ba Khe (Yên Bái) 71mm; Lăng Căn (Tuyên Quang) 67mm; Phổ Yên (Thái Nguyên) 66mm; Bảo Sơn (Bắc Giang) 76mm; Cẩm Khê (Phú Thọ) 69mm; Hiền Chung (Thanh Hóa) 54mm. Đặc biệt mưa đêm từ 19h ngày 24/4 đến 07h ngày 25/4 tại một số trạm có lượng mưa lớn như Nam Toong (Lào Cai) 67mm; Dương Quỳ (Lào Cai) 62mm; Than Uyên (Lai Châu) 42mm; Mù Cang Chải (Yên Bái) 41mm; Hạ Hoà (Phú Thọ) 33mm.

Một số nơi xảy ra mưa đá dày đặc vào cuối giờ chiều qua, kéo dài nửa tiếng trên địa bàn huyện Mai Châu (Hòa Bình) và xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (Sơn La), hạt mưa đá to như quả trứng gà gây thiệt hại về hoa màu.

25-mua-da.jpg
Mưa đá kéo dài nửa tiếng đồng hồ phủ trắng bản làng, núi đồi ở huyện Vân Hồ, Sơn La

Qua kiểm tra ban đầu, trận mưa đá tại xã Lóng Luông không gây thiệt hại về người, nhưng làm hư hại lớn hoa màu, cây cối, đặc biệt là diện tích mận hậu của nhân dân trên địa bàn. Còn trận giông lốc xuất hiện trên địa bàn huyện Mai Châu, Hòa Bình kéo dài khoảng 20 phút kèm theo mưa đá trút xuống, phủ trắng quốc lộ 6 qua Mai Châu và xã Pà Cò, xã Hang Kia của huyện này. Nhiều diện tích trồng cải, mận, đào ở xã Pà Cò bị mưa đá làm rụng quả, dập nát.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ, Thanh Hoá và Nghệ An, thiệt hại do mưa dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra từ đêm 23/4 đến ngày 24/4, như sau:

Về người: 01 người bị thương (Thanh Hoá).

Về nhà ở: 04 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn (Phú Thọ: 03, Thanh Hoá: 01); 242 nhà bị tốc mái, hư hỏng một phần (Sơn La: 30; Hoà Bình: 9; Phú Thọ: 8; Thanh Hoá: 41; Nghệ An: 154).

Về giáo dục: 19 trường học, điểm trường bị tốc mái, hư hỏng (Phú Thọ: 17; Nghệ An: 02).

Về nông nghiệp: 1.570 ha lúa, hoa màu và cây ăn quả bị ảnh hưởng, thiệt hại (Sơn La: 594 ha, Hoà Bình 210 ha; Phú Thọ: 63 ha, Thanh Hoá: 703 ha).

Về lâm nghiệp: 47 ha bị thiệt hại (Thanh Hoá).

Thiệt hại khác: 67 cột điện bị gãy đổ (Phú Thọ 14; Thanh Hoá: 53); 17 thuyền dân sinh bị thiệt hại, 01 trạm y tế và 02 trụ sở cơ quan bị ảnh hưởng.

Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; tổ chức rà soát, thống kê thiệt hại và huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống.

Cũng theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, từ hôm nay (25/4) đến ngày mai (26/4), khu vực Tây Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xu thế xâm nhập mặn từ ngày 25-30/4/2024 với chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính như sau: sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây: 90-120km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại: 40-50km; sông Hàm Luông: 50-55km; sông Cổ Chiên: 40-45km; sông Hậu: 40-50km; sông Cái Lớn: 45-55km. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức cao hơn độ mặn cao nhất tháng 4/2023. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở ĐBSCL: cấp 2.

Được biết, từ ngày 17/4 đến nay khoảng 15 tỉnh thành miền Bắc xuất hiện giông lốc, mưa đá. Thống kê sơ bộ khoảng 12.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại. Tại Hà Nội, trận giông lốc kèm mưa đá tối 20/4 đã giật đổ và làm gãy xấp xỉ 1.000 cây xanh, làm hư hỏng hàng chục phương tiện.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết miền Bắc những ngày qua giông lốc, mưa đá do tác động của khối không khí lạnh yếu cùng với hội tụ gió trên độ cao 1.500 m.

Miền núi xuất hiện nhiều hơn, hạt đá dày hơn do địa hình núi cao, rừng đan xen, là điều kiện cho đối lưu phát triển mạnh, hình thành mây vũ tích và gây mưa đá. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ duy trì trong đêm 24/4, từ ngày mai (35/4) miền Bắc chuyển nắng nóng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mưa dông, lốc, sét làm hư hại hàng trăm ngôi nhà và hơn nghìn ha hoa màu ở miền Bắc