Mưa lũ miền Trung làm 4 người chết, 7 người mất tích, sơn tán khẩn cấp 11.000 người

Hoàng Minh|09/10/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Văn phòng BCĐ Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có báo cáo nhanh cập nhật về tình hình mưa lũ tại Trung Bộ tính đến 17h chiều nay (8/10).

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến 17h ngày 8/10, ở khu vực Trung Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 400 – 600mm. Đặc biệt tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa từ 700 – 900mm. Một số trạm có lượng mưa lớn như: Lâm Thủy (Quảng Bình) 634mm, Đại Sơn (Quảng Nam) 560mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 980mm, Linh Thượng (Quảng Trị) 754mm, A Lưới (Thừa Thiên Huế) 818mm, Hồ A Lá (Thừa Thiên Huế) 753mm.

Hiện nay, lượng mưa đang có xu hướng giảm dần. Dự báo lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.

Trước tình hình mưa lũ, ngập lụt trên diện rộng, các địa phương ở miền Trung đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ/10.994 người (Quảng Trị 2.796 hộ/10.141 người, Thừa Thiên Huế 271 hộ/780 người, Đà Nẵng 23 hộ/73 người, Quảng Nam 59 hộ).

Tại Quảng Bình, 25 thôn, bản thuộc 7 xã của các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy bị chia cắt cục bộ; 50 hộ dân tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5m; các quốc lộ 15, 12, 9B, 12A bị ngập với độ sâu 0,5 – 1m; tỉnh lộ 562, 559B bị ngập 1,5 – 2m gây cản trở giao thông.

Lũ trên các sông dâng cao, lực lượng chức năng phải đi thuyền vào các khu dân cư để rà soát, hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc và sơ tán. Ảnh: PCTT.

Tại Quảng Trị, 20 xã, phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ (7 xã của huyện Hướng Hóa, 4 xã của huyện Đakrông, 3 xã của huyện Cam Lộ và 6 phường tại thành phố Đông Hà).

Tại Thừa Thiên Huế, quốc lộ 49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 – 1m; nhiều tuyến tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 – 0,5m; các thôn Tam Lanh, xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.

Tại Đà Nẵng, có 8/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, ngoài tình hình ngập lụt như trên, đến chiều 8/10 đã có 4 người chết và 7 người mất tích (Quảng Trị 5, Thừa Thiên Huế 1, Gia Lai 1).

Trước tình hình mưa lũ còn kéo dài, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương miền Trung khẩn trương tổ chức tìm kiếm người mất tích. Lực lượng chức năng tiếp tục di dời, sơ tán người dân ra khỏi khu vực ngập sâu và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất.

Đáng lưu ý, cơ quan khí tượng vừa đưa ra nhận định một áp thấp nhiệt đới có khả năng hình thành ngày 9/10 trên Biển Đông, khiến mưa lũ ở miền Trung diễn biến khó lường. Trước mắt, đợt mưa lớn đang diễn ra được dự báo kéo dài đến ngày 14/10.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 8/10 đã có công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và Tây Nguyên, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, triển khai khẩn cấp phương án ứng phó, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, hướng dẫn người dân chủ động dự trữ lương thực thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Hoàng Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mưa lũ miền Trung làm 4 người chết, 7 người mất tích, sơn tán khẩn cấp 11.000 người
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.