Mưa lũ ở Sơn La gây thiệt hại gần 1.200 ngôi nhà

Hồng Trang|26/07/2024 15:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mưa lũ tại Sơn La từ ngày 22-25/7 gây thiệt hại 1.199 ngôi nhà ở, gần 1.900ha lúa mùa, đặc biệt 7 người chết và 3 người mất tích.

Cụ thể, tính đến 17 giờ ngày 25/7, mưa to đã gây ra lũ quét, gây ngập úng, sạt lở đất đá tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La, làm 7 người chết và 3 người mất tích do bị lũ cuốn trôi và sạt lở đất; 5 người bị thương do sạt lở , lũ cuốn và đá lăn.

Về nhà cửa, mưa lũ đã gây thiệt hại 1.199 nhà ở, trong đó 53 nhà phải di dời khẩn cấp, còn lại các nhà bị ngập nước dưới 1 mét và thiệt hại từ 30% đến hơn 70%.

Về nông nghiệp, gần 1.900ha lúa mùa, 287ha cây trồng hàng năm, 107ha cây trồng lâu năm, gần 50ha cây ăn quả tập trung và hơn 227ha hoa màu bị ngập úng và cuốn trôi; 7.471 con gia cầm và 125 con gia súc các loại bị cuốn trôi; 183ha ao cá bị thiệt hại.

Mưa lũ còn làm ngập úng 6 điểm trường mầm non và tiểu học; 130 vị trí sạt lở gây ách tắc giao thông, đã thông xe tạm thời 65 vị trí; sụt ta-luy dương, sa bồi là 261.268m3; sạt lở ta-luy âm là 512m; xói lề đường 1.327m3; hư hỏng rãnh dọc là 340m; hư hỏng cầu, cống là 16 chiếc…

mua-lu-1.png
Nước sông Mã đang dâng cao (Ảnh: Hoàng Tuấn)

Ngoài ra, nước lũ còn cuốn trôi 4 cầu treo và gãy đổ 11 vị trí cột điện trung thế, nghiêng 6 vị trí; 26 vị trí cột hạ thế bị gãy đổ, 3 vị trí bị nghiêng; 1 trạm biến áp và 200m dây AV50 và 10 hòm công tơ bị hư hỏng.

Tại địa điểm bản Hua Pư và bản Pá Hốc, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, nơi bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, ông Nguyễn Thành Công cùng các lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hiện trường lúc 22 giờ ngày 24/7, sau gần 1 ngày vừa đi bộ vừa mở đường.

"Điểm sạt rất lớn, từ đỉnh đồi, bùn đất sạt trực tiếp xuống vùi lấp 3 ngôi nhà. Bùn đất cộng với tài sản, hoa màu của người dân tạo thành một đống sạt lở hỗn hợp, với khối lượng cực kì lớn. Do vậy, lực lượng cứu hộ phải vừa làm, vừa đảm bảo an toàn. Đồng thời, phải xử lý khắc khục từng vật liệu nhỏ để làm sao tránh thương vong cho đội cứu hộ", ông Nguyễn Thành Công cho biết.

Tuyến đường từ trung tâm xã Chiềng Nơi đến bản Hua Pư có tới hàng trăm điểm bị đứt gãy, sụt sạt. Tỉnh Sơn La đã huy động nhiều phương tiện, máy xúc, máy ủi để mở đường vào trung tâm xã Chiềng Nơi và bản Hua Pư. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mai Sơn huy động 50 cán bộ, chiến sĩ vào tiếp cận địa bàn cùng với người dân, các lực lượng khắc phục hậu quả…

Hiện, mô hình độ ẩm đất cho thấy, một số khu vực thuộc các huyện, thành phố Sơn La, hơn 85% gần đạt hoặc đạt trạng thái bão hòa. Tại địa bàn các huyện, thành phố vẫn đang tiếp tục mưa, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La tiếp tục có thông báo yêu cầu các cơ sở theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; bố trí lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Ngày 25/7, tại Văn bản số 3240/UBND-KT ngày 25/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - ông Hoàng Quốc Khánh yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố nghiêm túc thực hiện việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Dừng ngay các hoạt động không cần thiết, phân công lãnh đạo sở, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực theo dõi, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai 24/24h trong những ngày bão lũ cao điểm, theo phương châm "bốn tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Sơn La kiểm tra, rà soát, đánh giá nguyên nhân ngập lụt tại thành phố; đề xuất giải pháp khắc phục, hạn chế thiệt hại do lũ lụt gây ra, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/7/2024.

Công ty cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị Sơn La rà soát, kiểm tra, cắt tỉa cây xanh tại các tuyến hành lang giao thông; khuôn viên cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, nơi công cộng trên địa bàn, kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế tình trạng cây đổ, gãy gây mất an toàn, nguy hiểm.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai, điều kiện cụ thể của địa phương, đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất.

Theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo "phương châm bốn tại chỗ" bảo đảm kịp thời, hiệu quả để giảm thiệt hại cho người dân. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.

Bài liên quan
  • Sơn La bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ
    Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ diễn biến thất thường, lượng mưa có thể lớn hơn so với nhiều năm. Để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ, các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác của tỉnh Sơn La đã chú trọng điều tiết nguồn nước, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu và thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Mưa lũ ở Sơn La gây thiệt hại gần 1.200 ngôi nhà