Theo dự báo, thời tiết năm nay sẽ diễn biến thất thường, lượng mưa có thể lớn hơn so với nhiều năm. Để đảm bảo an toàn hồ, đập thủy lợi trong mùa mưa lũ, các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác của tỉnh Sơn La đã chú trọng điều tiết nguồn nước, sửa chữa những hạng mục công trình xung yếu và thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn.
Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La cho biết: Toàn tỉnh có 111 hồ chứa, 132 đập dâng và 2.405 công trình thủy lợi. Từ đầu năm, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá an toàn và xây dựng phương án phòng chống lũ bão chi tiết, cụ thể cho từng hồ chứa. Chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa; triển khai phương án sửa chữa các hạng mục, công trình bị hư hỏng xong trước mùa mưa lũ; tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên sông, suối, hồ đập, chủ động phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Qua kiểm tra, có 13 đập ở hồ chứa bị thấm; 2 hồ bị biến dạng mái đập; 57 tràn xả lũ chưa được gia cố; 290 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp... Nguyên nhân một phần là do các đập, hồ chứa đa số được xây dựng từ trước năm 2000, nhiều công trình chưa được đầu tư đồng bộ cứng hóa.
Sở Nông nghiệp và PTNT Sơn La đã ban hành công văn đề nghị các huyện, thành phố, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý, khai thác công trình thủy lợi chủ động rà soát, xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập. Tổ chức hướng dẫn, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó của người dân ở vùng hạ du đập; tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ công trình thủy lợi. Đồng thời, bố trí lực lượng đủ năng lực chuyên môn để quản lý, vận hành công trình thủy lợi theo quy định; trực ban và giám sát an toàn công trình nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ xảy ra sự cố công trình.
Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương nơi có đập, hồ chứa nước thủy lợi thực hiện các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước. Ông Nguyễn Xuân Trường, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Trong mùa khô 2023-2024, Công ty đã đầu tư nâng cấp 3 hồ chứa thủy lợi bằng nguồn vốn của Trung ương; đối với các công trình khác, do chưa bố trí được nguồn vốn, Công ty thực hiện tu sửa, khắc phục tạm thời ngay các hạng mục hư hỏng để đảm bảo an toàn cho công trình; chủ động xây dựng các phương án ứng phó trong trường hợp có sự cố công trình xảy ra khi mưa, lũ. Đến nay, có 86 công trình lắp đặt thiết bị quan trắc; 2 công trình lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng và 2 công trình lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Dự án hồ chứa nước bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La có nhiệm vụ phòng, chống lũ quét, sạt lở do thượng nguồn bản Mòng gây ra; cấp nước tưới tự chảy cho 263ha đất nông nghiệp ven suối Nậm La và tạo nguồn cấp nước tưới cho 947 ha đất nông nghiệp. Anh Bùi Nam Hưng, cán bộ quản lý hồ chứa nước bản Mòng, thông tin: Công trình đã được lắp đặt hệ thống camera giám sát; kho dữ liệu có đầy đủ các thông tin để đánh giá, kiểm soát nguồn nước, tình hình công trình; sử dụng thiết bị hiện đại để quan trắc, dự báo trong những ngày mưa lớn. Chúng tôi cũng phân công người ứng trực 24/24 giờ thực hiện tuần tra, canh gác, kiểm tra, xem xét mức độ an toàn của các hạng mục công trình, chủ động phòng tránh và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Trong công tác phòng, chống thiên tai, sự chủ động là yếu tố quan trọng hàng đầu. Do vậy, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, các hồ chứa, các đơn vị, địa phương cần tăng cường giám sát, theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để thực hiện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình; thường xuyên kiểm tra các điểm xung yếu, gia cố kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.