Ngày 13/1, Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông (MRC) tiếp tục kêu gọi 6 nước dọc sông Mê Kông khẩn trương giải quyết vấn đề dòng chảy thấp trong khu vực, sự thay đổi bất thường của mực nước và tình trạng hạn hán trong bối cảnh khu vực hạ lưu sông Mê Kông tiếp tục có dòng chảy thấp kỷ lục năm thứ 3 liên tiếp.
Báo cáo mới có tên “Dòng chảy thấp và tình trạng hạn hán của sông Mê Kông giai đoạn 2019-2023” do Ban Thư ký MRC công bố ngày 13/1 cho thấy trong 3 năm qua, các dòng chảy chính của sông Mê Kông đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 60 năm, trong đó, năm 2020 là năm khô hạn nhất của lưu vực hạ lưu sông Mê Kông khi lượng mưa dưới mức bình thường hàng tháng trừ tháng 10.
Báo cáo nhấn mạnh, kể từ năm 2015, chế độ thủy văn đã thay đổi, với dòng chảy mùa khô nhiều hơn và dòng chảy mùa mưa giảm do số lượng hồ chứa trong lưu vực tăng lên, điều mang lại những kết quả vừa tích cực vừa tiêu cực. Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2021 rất khác thường do lượng mưa giảm nhiều và điều kiện khí hậu ngày càng xấu đi.
Sông Mekong đoạn giáp với Thái Lan và Lào nhìn từ phía Nong Khai, Thái Lan ngày 29-10-2019 – Ảnh: REUTERS
Theo báo cáo, những yếu tố trên kết hợp với nhau có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng thủy sản và nông nghiệp, gây áp lực lên sinh kế của người dân ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đe dọa gây xáo trộn các hệ sinh thái mong manh của lưu vực sông Mê Kông.
Tiến sĩ An Pich Hatda, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký MRC, cho rằng không chỉ Trung Quốc mà tất cả các nước thành viên của MRC cũng cần chủ động hợp tác để cùng giải quyết những vấn đề này.
Theo Tiến sĩ Hatda, 6 nước dọc sông Mê Kông gồm Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam có thể thực hiện ngay một số biện pháp để giảm thiểu khủng hoảng, bao gồm việc thiết lập cơ chế thông báo chung về những dao động bất thường của mực nước và trong tương lai, nghiên cứu khả năng phối hợp quản lý vận hành các hồ chứa và đập thủy điện. Ngoài ra, các nước cũng cần xem xét các phương án xây dựng thêm hồ chứa để xử lý những tình huống hạn hán và lũ lụt khẩn cấp, cũng như một mô hình vận hành đối với toàn bộ lưu vực sông Mê Kông.
Sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu sẵn có của MRC về các chỉ số lượng mưa, dòng chảy và hạn hán quan sát được, báo cáo lưu ý rằng một số yếu tố tích lũy đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có về dòng chảy. Thông thường, mùa gió mùa thường tạo ra một đỉnh lũ duy nhất, nhưng việc tích nước vào mùa mưa ở Lưu vực sông Mê Kông đã góp phần trì hoãn tất cả các đợt lũ quan trọng.
Báo cáo dài 100 trang nói trên cũng đánh giá tác động của dòng chảy thấp đối với dòng chảy ngược vào hồ Tonle Sap trong mùa mưa, một yếu tố quan trọng liên quan đến thủy văn của lưu vực rộng lớn hơn. Trong khi dòng chảy ngược của năm 2019 gần với mức trung bình, dòng chảy ngược trong các năm 2020 và 2021 đứng ở mức thấp nhất được ghi nhận. Tổng lượng dòng chảy ngược năm 2020 và 2021 lần lượt là 58% và 51% tổng lượng dòng chảy ngược bình quân trong giai đoạn 2008 – 2021.
Báo cáo cho rằng việc quản lý vận hành phối hợp các hồ chứa có thể là chìa khóa để giảm bớt những tác động tồi tệ nhất trong các năm hạn hán, chẳng hạn như giai đoạn 2019-2021, Ban Thư ký MRC cho biết đang làm việc với các nước ven sông Mekong để hỗ trợ sáng kiến này.
Phương Thảo