Muốn không ngập úng xin đừng vứt rác vào miệng cống

Bài & ảnh: Đặng Đức|18/05/2019 00:34
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tình trạng đường phố đô thị ngập úng sau mưa khiến người dân vô cùng bức xúc. Giải pháp quan tâm hàng đầu là làm sao để cống thoát nước không còn tắc vì rác.

Tại TP.Hồ Chí Minh, hiện tượng người dân xả rác vào miệng cống, hệ thống kênh mương đáng báo động. Dẫn đến ách tắc hệ thống thoát nước. Điều này đặc biệt nghiêm trọng, khi mùa mưa làm tăng tình trạng ngập úng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu thoát nước.

Nếu rác thải đọng ngay phần miệng cống có thể thu gom rác dễ dàng giúp tiêu thoát nước. Tuy nhiên, rác thải bị đẩy vào hệ thống cống dẫn, lâu ngày ống dẫn bị ứ đọng khiến nước mưa và nước thải sinh hoạt không thoát được

Rác thải là nguyên nhân gây tắc cống, kênh rạch

Để khắc phục sự cố tắc nghẹt của hệ thống cống tiêu thoát cực kỳ phức tạp. Công nhân môi trường đô thị phải mở các mặt cống để chui xuống nạo vét bùn đất, rác thải ở dưới.

Một ví dụ điển hình về thực trạng này, cuối tháng 6 năm 2018, khi công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM đã làm vệ sinh các cống dọc theo tuyến đường Võ Văn Tần quận 3 đã thu gom dưới cống nào chai lo, túi nilon, bơm kim tiêm. Có lẽ, ai chứng kiến cảnh này cũng đều rùng rợn. Theo một số công nhân làm nhiệm vụ cho biết, Mặc dù đều đặn mỗi tháng đội đều vệ sinh cống, tuy nhiên, do ý thức người dân quá kém nên chỉ dăm bữa nửa tháng là các cống lại nghẹt bởi rác.

Chuyện tắc cống một phần do ý thức của người dân kém. Không ít người dân tại các khu đô thị thường xả rác, hộp đựng đồ ăn, túi nilong bừa bãi xuống lòng đường, vỉa hè, miệng cống rãnh. Hàng ngày, có hàng trăm nghìn lao công quét dọn và thu gom rác. Tuy vậy, vào những ngày trời mưa lớn, rác thải sẽ theo nước mưa xuống các kênh rạch, lòng hồ, cống rãnh…

Theo một cư dân sinh sống tại phường Hiệp Phú, Quận 9, chia sẻ, con hẻm dẫn vào nhà dài khoảng 400m nhưng có đến 5 cống thoát nước trong đó có 3 miệng cống được người dân dùng làm nơi tập kết rác hàng ngày. Vì những đống rác này mà sau những trận mưa chiều là ngõ nhỏ lại ngập úng. Để nước tiêu thoát nhanh thì chỉ còn cách gạt rác ra khỏi miệng cống

Chuyện để rác vào miệng cống của một số người thiếu ý thức luôn bị các hộ, người dân góp ý, phản ánh, thậm chí là đề cập trong các buổi họp của tổ dân phố. Nhưng mọi việc vẫn án binh bất động, khi mà người ta vẫn lén lút buổi trưa, đêm tối mang rác ra đó.

Còn tại khu chung cư Quận 3, một hình ảnh vô cùng nhếch nhác, mất mỹ quan tới khó coi, khi mà có một miệng cống ngay sát vỉa hè lối vào ở đường Hoàng Sa, ngập ngụa rác thải. Có một nghịch cảnh là, núi rác vài mét nằm ngày nơi treo tấm bảng thông tin tuyên truyền “thực hiện xây dựng đô thị sạch đẹp”, kêu gọi mọi người dân không vứt, xả rác bừa bãi, đồng thời nêu mức phạt tiền từ 100-300.000 đồng, nếu vi phạm!

Tại những nơi treo tấm bảng tuyên truyền không xả rác lại là nơi tập hợp rác

Tình trạng người dân đô thị thiếu ý thức trong chuyện xả rác vẫn xuất hiện ở nhiều khu vực, không riêng gì 2 ví dụ trên. Bằng chứng là có hàng trăm, hàng ngàn tấm bảng cấm vứt, xả rác được dựng lên. Vậy mà càng ở những chỗ “cấm” lại vẫn bị biến thành bãi rác. Thậm chí, nhiều nơi có thùng rác nhưng mọi người không bỏ rác đúng nơi quy định.

Ngay cả chuyện vứt rác vào miệng cống cũng vậy, khi mà biết cống sẽ tắc, nghẹt khi có rác bưng bít, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên xả rác vào hệ thống kênh mương tiêu thoát nước. Vì ý thức kém của một cơ số người không chỉ làm ảnh hưởng chung tới cộng đồng, mà chính bản thân họ cũng phải “lĩnh” hậu quả. Mỗi trận mưa lớn người người lại lội nước bì bõm vì ngập lụt do rác thải ứ đọng làm nước khó tiêu thoát.

Thiết nghĩ, để không còn tình trạng rác bưng bít làm tắc nghẽn miệng cống, kênh mương thoát nước gây ngập úng, chính quyền thành phố phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền tới từng hộ gia đình, từng người dân. Để qua đó, mọi người hiểu và điều chỉnh thói quen xấu, không vứt xả rác bừa bãi, không đúng nơi quy định. Ngoài ra, việc siết chặt hình phạt với những người vứt, xả rác bừa bãi rất cần thiết, chứ không thể nói suông như bấy lâu nay. Lời nói phải đi đôi với việc làm mới có thể phát huy hiệu quả tốt nhất…

Bài & ảnh: Đặng Đức

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Muốn không ngập úng xin đừng vứt rác vào miệng cống
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.