Mỹ chấm dứt mua ôtô chạy bằng khí đốt từ năm 2035
Chính phủ Mỹ dự định đến năm 2035 chấm dứt mua ôtô chạy bằng khí đốt trong nỗ lực giảm phát thải và thúc đẩy sử dụng ôtô điện, theo sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden ký ngày 8/12.
Với kế hoạch này, đến năm 2030, hoạt động công vụ của Chính phủ liên bang Mỹ sẽ có thể giảm 65% lượng khí thải.
Chính phủ Mỹ hiện sở hữu hơn 650.000 xe công vụ và mua mới khoảng 50.000 xe mỗi năm. Sắc lệnh của Tổng thống Biden đặt mục tiêu đến năm 2027 toàn bộ số xe ôtô công vụ hạng nhẹ là xe không phát thải.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt mua ôtô chạy bằng
khí đốt vào năm 2035. (Ảnh: Reuters).
Tháng 1 năm nay, Tổng thống Biden tuyên bố sẽ thay thế toàn bộ đội xe công vụ của Chính phủ bằng xe điện. Tính đến năm 2020, chỉ có 0,5% số xe công vụ của Mỹ là xe điện.
Trong năm 2020, Chính phủ Mỹ đã chi 4,2 tỉ USD cho hoạt động của đội xe, trong đó riêng chi phí nhiên liệu là 730 triệu USD.
Ngoài ra, Chính phủ Mỹ dự định đến năm 2030 chỉ tiêu thụ điện sản xuất từ các nguồn không phát thải carbon và không gây ô nhiễm, đồng thời đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Sắc lệnh khẳng định với các kế hoạch trên, Chính phủ Mỹ hy vọng có thể chuyển đổi cách thức sản xuất, mua và tiêu thụ điện cũng như phương tiện đi lại và các hoạt động khác theo hướng sạch và bền vững hơn.
Sắc lệnh mới của Tổng thống Biden đã nhận được sự hoan nghênh của nhóm Liên minh Đổi mới ngành ôtô gồm các tập đoàn sản xuất ôtô như General Motors, Toyota, Volkswagen…
Dàn xe điện mới dự kiến có mặt trong đội xe của Chính phủ Mỹ được cho là một tin tốt đối với nỗ lực của các nhà sản xuất ôtô chuyển hướng sang dòng xe thân thiện với môi trường.
Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố cắt giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời 40 nhà lãnh đạo từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia gây ô nhiễm lớn, tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu.
Trong số các quốc gia đó, có 17 quốc gia tạo ra khoảng 80% tổng lượng khí thải làm nóng hành tinh và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Không quốc gia nào có thể tự giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tất cả chúng ta, đặc biệt là các nền kinh tế lớn nhất thế giới, cần hành động. Các quốc gia có hành động và đầu tư nhiều cho người dân và năng lượng sạch sẽ có được nhiều việc làm tốt trong tương lai cũng như nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt và cạnh tranh”.
Tổng thống Biden cũng công bố một mục tiêu mới của Mỹ tới năm 2030 đó là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50-52% so với mức của năm 2005. Trước đó, chính quyền của Tổng thống Barack Obama chỉ đặt ra mục tiêu cắt giảm khí thải tới năm 2025 từ 26-28% so với mức của năm 2005.
Lãnh đạo các nền kinh tế lớn tham gia phát biểu tại hội nghị cũng đưa ra các cam kết cắt giảm khí thải nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẽ giảm lượng tiêu dùng than từ năm 2025 và kêu gọi các nước phát triển gia tăng hành động khí hậu và có các nỗ lực cụ thể nhằm giúp các nước đang phát triển đẩy nhanh quá trình chuyển sang phát triển xanh và carbon thấp. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ hợp tác với Mỹ trong cắt giảm khí thải.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh nước này đặt mục tiêu cắt giảm khí carbon từ 40-50% dưới mức của năm 2005 vào cuối thập kỉ này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này đang đưa vào hệ thống lập pháp ý định cắt giảm 78% mức khí thải của năm 1990 vào năm 2035.
Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo mối quan hệ đối tác mới với Mỹ nhằm mở rộng năng lượng tái tạo. Ấn Độ là một trong những quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán khí hậu toàn cầu.
Hội nghị diễn ra hai ngày được cho là nhằm khởi động các cuộc đàm phán hướng tới một thỏa thuận cắt giảm khí thải toàn cầu và dự kiến sẽ tiếp tục chứng kiến các cam kết mạnh mẽ từ các nước.
Kim Anh