Trước đó, chính phủ Đức đã lên kế hoạch ngừng sử dụng than để sản xuất điện vào năm 2038. Tuy nhiên, các quan chức tin rằng họ có khả năng kinh tế để đóng cửa các nhà máy điện gây hại cho môi trường, trước mốc đó 3 năm. Kế hoạch mới sẽ được thông qua vào đầu năm 2020.
Lịch trình chính xác ngừng hoạt động của các nhà máy điện than sẽ được trình bày vào giữa năm 2020. Sau đó, các nhà điều hành nhà máy điện và đại diện của các mỏ than phải gửi đề xuất của họ hoặc đồng ý với dự án.
Ảnh minh họa
Chính phủ Đức dự kiến bồi thường 40 tỷ USD, chủ yếu cho các vùng có nhiều mỏ than và nhà máy nhiệt điện than, gồm Sachsen-Anhalt, Sachsen, Bắc Rhine-Westphalia và Brandenburg. Phần lớn số tiền sẽ được dành cho các dự án cơ sở hạ tầng mới tại các khu vực phụ thuộc nhiều vào than và đào tạo nghề mới cho nhân công mất việc làm.
Khoản bồi thường cho việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than ở Tây Đức là khoảng 2,6 tỷ euro, trog khi đó phía đông là 1,75 tỷ euro.
Than hiện cung cấp khoảng một phần ba điện năng cho Đức, hơn một nửa trong đó phụ thuộc vào việc đốt than non. Đức là nhà sản xuất than non lớn nhất thế giới. Đức đặt mục tiêu tạo ra ít nhất 65% điện năng từ năng lượng tái tạo – nghĩa là các nguồn trung tính carbon – vào năm 2030. Hiện nay, có hơn 250.000 công nhân trong các ngành năng lượng tái tạo tại Đức – nhiều hơn hẳn so với ngành than.
Than đá là một trong những thủ phạm chính gây nóng lên toàn cầu. Chấm dứt tiêu thụ than là một phần trong nỗ lực của EU nhằm cắt giảm khí thải nhà kính.
Hầu hết trong số 28 quốc gia EU có mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050 – lượng carbon thải ra bằng lượng carbon cắt giảm được, thông qua những hành động cụ thể như tiết kiệm tiêu thụ điện, thúc đẩy sử dụng phương tiện công cộng hay trồng thêm cây.
Minh Anh (t/h)