Nam Định: Điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2040

29/09/2020 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố Nam Định nằm ở phía Bắc tỉnh Nam Định, cách Thủ đô Hà Nội 90km về phía Tây Bắc và cũng là đầu mối giao thông quan trọng kết nối với nhiều thành phố lớn ở miền Bắc như: Thái Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Phủ Lý…

Thành phố Nam Định có tuyến đường sắt Bắc Nam và 3 tuyến quốc lộ đi qua là QL21, QL21B và QL10. Đây là cơ sở quan trọng giúp đô thị này phát triển thành trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, thương mại và dịch vụ du lịch của tỉnh Nam Định. Ngày 28/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2106/QĐ-TTg công nhận thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Nam Định.

Một góc thành phố Nam Định

Trong 9 năm qua, Nam Định tiếp tục phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội với tốc độ đô thị hóa nhanh, bộ mặt đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ được cải thiện đáng kể. Thực trạng phát triển của thành phố đặt ra một số vấn đề như phát triển hạ tầng để giảm ùn tắc giao thông, kiểm soát công trình cao tầng, bố trí hệ thống hạ tầng xã hội cho các khu vực phát triển đô thị, thu hút đầu tư hiệu quả…

Những yêu cầu mới nếu trên, việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định là rất cần thiết để tiếp tục phát triển đô thị này trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khai thác hiệu quả tiềm năng của thành phố theo hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung cũng xác định mục tiêu xây dựng Nam Định trở thành một thành phố xanh, thông minh, thân thiện với môi trường với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ thành phố Nam Định hiện nay (diện tích 46,41 km2); huyện Mỹ Lộc (74,49 km2); 3 xã Đại An, Thành Lợi, Tân Thành của huyện Vụ Bản (26,48 km2) và 5 xã: Nam Mỹ, Nam Toàn, Hồng Quang, Điền Xá, Nghĩa An của huyện Nam Trực (40,6 km2), với tổng diện tích khoảng 187,99 km2.

Quy mô dân số của thành phố Nam Định đến năm 2030 khoảng 520.000 người; trong đó dân số nội thị khoảng 384.500 người. Đến năm 2040, dân số khoảng 600.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 485.000 người.

Về định hướng phát triển không gian, thành phố Nam Định sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy sông Đào và đô thị trung tâm hiện hữu làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị về hướng Tây Bắc và Đông Nam theo hành lang trục quốc lộ 21B, đường vành đai 2 mới, với 3 vùng phát triển.

Cụ thể: Vùng phát triển đô thị trung tâm hiện hữu với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của tỉnh và thành phố gắn với phát triển không gian đô thị hiện hữu Nam Định. Vùng phát triển đô thị về phía Tây và Tây Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên huyện Mỹ Lộc, với chức năng đô thị thông minh, với các trung tâm giáo dục, thể dục thể thao cấp vùng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại. Vùng phát triển phía Đông Nam với chức năng đô thị dịch vụ, du lịch, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên gắn với các dịch vụ hỗ trợ thành phố Nam Định.

Về hệ thống trung tâm, trong đó, trung tâm hành chính tỉnh cải tạo nâng cấp trên cơ sở hiện trạng. Trung tâm hành chính thành phố xây dựng mới tại Khu đô thị Thống Nhất, quy mô khoảng 1,1 ha. Trung tâm văn hóa cấp đô thị xây mới tại khu vực tại khu đô thị mới Nam sông Đào và khu đô thị mới Tây Bắc; cải tạo và hoàn thiện mạng lưới công trình văn hóa tại các khu đô thị.

Trung tâm giáo dục đào tạo cấp vùng xây mới tại khu vực đô thị mới phía Tây quy mô khoảng 120 ha; nâng cấp cải tạo các trường đại học, cao đẳng hiện hữu và khu vực phía Nam sông Đào; cải tạo nâng cấp 14 trường trung học phổ thông hiện trạng, xây dựng mới trường Trung học Phổ thông Lê Hồng Phong và bổ sung 6 trường Trung học Phổ thông.
Về trung tâm y tế, xây dựng bệnh viện đa khoa tỉnh tại khu đô thị Mỹ Trung quy mô 700 giường, diện tích 9,25 ha; xây dựng 1 trung tâm y tế cấp đô thị tại khu vực Nam sông Đào, quy mô khoảng 4 ha; xây dựng bổ sung các trung tâm y tế theo quy hoạch đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố theo từng giai đoạn…

Bên cạnh đó, thành phố Nam Định cũng nên xem xét lại danh mục các dự án ưu tiên và gắn nội dung phát triển kinh tế đô thị với định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Điều chỉnh quy hoạch thành phố đến năm 2040