Nam Định: Lúa vụ mùa bị sâu bệnh hoành hành

Minh An|09/08/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nông dân Nam Định đang đối mặt với bệnh lùn sọc đen hoành hành, thời gian tới, sâu hại sẽ phát triển mạnh nếu không kịp thời phun thuốc.

Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Nam Định, rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã nở rộ từ ngày 27/7 – 2/8, mật độ trung bình 100 – 150 con/m2, nơi cao 200 – 300 con/m2, cá biệt > 1.000 con/m2. Mật độ rầy cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018, 2019 (từ 3 – 5 lần) do điều kiện thời tiết thuận lợi cho rầy phát sinh gây hại.

Bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại nặng cho cây lúa.

Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức phun thuốc trừ rầy lứa 4 để phòng ngừa bệnh lùn sọc đen tập trung cho 27.615ha/31.683ha cần trừ (87,2% diện tích) đạt hiệu quả cao. Hiện tại, rầy phổ biến tuổi 2, 3, 4. Mật độ trung bình 50 – 100 con/m2, cao 300 – 400 con/m2.

Chi cục dự báo, rầy lứa 5 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ ngày 25/8 – 2/9; mật độ phổ biến 300 – 500 con/m2, cao 1.000 – 2.000 con/m2, cục bộ >3.000 con/m2. Lứa rầy này sẽ gây hại diện lúa đại trà.

Trước đó, để phòng chống bệnh, các địa phương trong tỉnh đã áp dụng các biện pháp xử lý hạt giống, phun thuốc trừ rầy “tiễn chân mạ”; trừ rầy và làm vệ sinh đồng ruộng cho hơn 230 ha ruộng bỏ hoang…

“Hiện tỉnh đang tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh lùn sọc đen, như tổ chức phun trừ triệt để rầy lưng trắng lần 5. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện 4 đúng trong phòng trừ sâu bệnh; thực hiện tự kiểm tra, phát hiện, nhổ vùi những cây lúa có biểu hiện nhiễm bệnh lùn sọc đen để hạn chế lây lan. Tỉnh cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường vật tư nông nghiệp, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo cung ứng đúng chủng loại, chất lượng vật tư nông nghiệp cho nông dân

Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Nam Định cho hay, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn các hộ nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng; phát hiện kịp thời các diện tích lúa có mật độ sâu, rầy tới ngưỡng phòng trừ; tranh thủ thời tiết thuận lợi để phun thuốc kịp thời theo nguyên tắc “4 đúng”.

Tiếp tục phun trừ rầy lưng trắng lứa 4 phòng ngừa bệnh lùn sọc đen cho những diện tích chưa phun hoặc phun xong gặp mưa.

Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 từ ngày 6 – 10/8 cho diện tích có mật độ ≥ 30 con/m2 trở lên, chủ yếu ở những diện tích lúa tốt sớm, ven làng ven thổ của các huyện phía Nam tỉnh.

“Tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Trong thời gian 4 giờ sau phun gặp mưa phải phun trừ lại”, ông Chính khuyến cáo.

Minh An

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Lúa vụ mùa bị sâu bệnh hoành hành