Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương

Ngọc Minh|22/07/2022 11:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

"Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống và định hướng dư luận xã hội; giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường biển nói chung và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương nói riêng", ông Lưu Anh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định tại buổi tập huấn.

dai-9.jpg
Toàn cảnh buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương”.

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Báo điện tử VTC News tổ chức buổi tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương”.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Lưu Anh Đức, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, báo chí có vai trò quan trọng trong công tác thông tin, phản ánh mọi mặt của đời sống và định hướng dư luận xã hội; giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường biển nói chung và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương nói riêng. Công tác truyền thông báo chí tốt sẽ giúp các chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước về rác thải nhựa lan tỏa đến với cộng đồng xã hội một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Chính vì vậy, Ban Quản lý Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền nhằm đẩy mạnh giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, trong đó có chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực truyền thông báo chí về quản lý rác thải nhựa”.

Chương trình tập huấn tập trung vào các vấn đề: Vai trò và vị trí của Việt Nam trong việc chủ động tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương. Chính sách, pháp luật của Nhà nước và giải pháp thúc đẩy cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với chất thải bao bì tại Việt Nam và các doanh nghiệp nhập khẩu trong bảo vệ môi trường. Vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn…

Tại buổi tập huấn, các chuyên gia cho rằng để giảm ô nhiễm nhựa đại dương cần thay đổi tư duy về chất thải, coi chất thải là tài nguyên. Cần tăng mức xử phạt để đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp, cá nhân xả rác thải ra môi trường. Các cơ quan báo chí cần có những bài viết chuyên sâu để nói đầy đủ thực trạng, tác hại của việc xả rác thải nhựa ra đại dương. Phản ảnh những bất cập trong cơ chế, chính sách, luật. Tuyên truyền những địa phương có các mô hình hiệu quả trong giảm ô nhiễm nhựa đại dương để nhân rộng. Đồng thời lên án những nơi chưa làm tốt để thay đổi hành vi của địa phương đó.

Thông qua chương trình tập huấn, ban tổ chức khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong giảm rác thải nhựa đại dương và là một trong các quốc gia tham gia xây dựng khung thoả thuận toàn cầu về giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi về giảm ô nhiễm nhựa đại dương