Hãng tin TASS dẫn thông tin từ Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người Liên bang Nga-Rospotrebnadzor ngày 22/9 cho biết loại vaccine mới được Viện nghiên cứu sinh vật truyền bệnh Siberia phát triển và đã hoàn thành các thử nghiệm trên người giai đoạn đầu vào tuần trước.
Trước đó hồi tháng 8, Nga trở thành quốc gia đăng ký loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Vaccine Sputnik-V do Viện Gamaleya Moskva phát triển. Vaccine này đang được thử nghiệm giai đoạn cuối với sự tham gia của ít nhất 40.000 tình nguyện viên.
Cũng trong ngày 22/9, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Trực tiếp (RDIF), quỹ nhà nước phát triển vaccine COVID-19 của Nga, ông Kirill Dmitriev, khẳng định các nhà phát triển vaccine của nước này sẽ gánh một phần trách nhiệm pháp lý nếu vaccine có vấn đề, thay vì để khách hàng chịu toàn bộ nguy cơ.
Ảnh minh họa
Lời cam kết này thể hiện sự tự tin về hiệu quả của loại vaccine COVID-19 mà Nga phát triển nhưng cũng đồng nghĩa rằng những nhà phát triển vaccine của quốc gia này sẽ phải gánh những chi phí đền bù đắt đỏ nếu có những tác dụng phụ. Đây cũng là điều mà nhiều nhà phát triển vaccine trên thế giới đều muốn tránh, bằng cách đề nghị các quốc gia tiếp nhận vaccine đảm bảo miễn mọi trách nhiệm phát sinh khi vaccine được đưa vào sử dụng.’
Các nhà phát triển vaccine trên toàn cầu đang nỗ lực rút ngắn thời gian thông thường có thể kéo dài tới vài năm xuống vài tháng để tìm ra loại vaccine giúp ngăn ngừa căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của gần 1 triệu người và làm đảo lộn mọi hoạt động sinh hoạt cũng như sản xuất trên toàn thế giới.
Áp lực về thời gian cũng kéo theo những nguy cơ về các tác dụng phụ không mong muốn, từ đó khiến vấn đề chia sẻ trách nhiệm trở thành một điểm mấu chốt trong các đàm phán phân phối vaccine.
Ngọc Linh (t/h)