Theo ấn phẩm của Viện khoa học Siberia dẫn lời Giám đốc Trung tâm Vector, ông Rinat Maksyutin cho biết sẽ đưa vào thử nghiệm trong thời gian tới, một loại vắc-xin của Nga nhằm phòng ngừa chủng coronavirus sẽ mất ít nhất nửa năm để phát triển.
“Chúng tôi không biết loại virus này sẽ diễn biến như thế nào. Tính nhạy cảm của chúng sẽ còn phụ thuộc vào từng loại gen. Tuy nhiên, nếu virus này xâm nhập vào Nga và bắt đầu lây lan với một số lượng lớn người chết, vắc-xin này sẽ trở thành một vị cứu tinh”, tờ Izvestia dẫn lời ông Shipulin.
Hiện Trung tâm Vector đang phối hợp chặt chẽ với các Viện Động vật học để nghiên cứu các động vật hoang dã, đến nay được cho là vật chủ mang virus để nghiên cứu nguyên nhân, cơ chế lây nhiễm của con người với vật chủ, đồng thời Trung tâm tiếp tục nghiên cứu và dự đoán các biến chứng sau tiêm chủng.
Ông Shipulin tuyên bố, việc phát triển vắc-xin mới sẽ khá dễ dàng, nhưng nó sẽ đòi hỏi rất nhiều tiền phân bổ. Ông ước tính toàn bộ quá trình phát triển vắc-xin sẽ mất tối thiểu nửa năm, bao gồm tất cả các giai đoạn thử nghiệm.
Tuy vậy, các công bố gần đây của các nhà khoa học Nga, Mỹ cũng cho biết sớm nhất phải đến mùa hè năm nay mới có thể sản xuất vắc-xin diện rộng sau khi thực hiện thành công quá trình thử nghiệm.
Vào sáng ngày 22/1, số ca nhiễm bệnh viêm phổi ở Trung Quốc, nơi dịch coronavirus bắt nguồn từ tháng 12.2019 đã tăng vọt lên 440 người. Các trường hợp viêm phổi do coronavirus đã được báo cáo ở Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và một số các quốc gia khác.
Vào ngày 20/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã xác nhận việc truyền coronavirus từ người sang người. Trước đây, giới chức y tế cho rằng virus chỉ có thể bị nhiễm khi tiếp xúc với động vật bị bệnh.
Ngọc An (t/h)