Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo về rủi ro do thiên tai ở khu vực ven biển miền Trung Việt Nam, trong đó kêu gọi Chính phủ Việt Nam phải hành động ngay “để đảm bảo tốc độ tăng trưởng trong tương lai trước các rủi ro thiên tai”.
Ông Jun Rentschler, chuyên gia kinh tế của WB và là tác giả chính trong 6 tác giả của bản báo cáo có tựa đề “Tăng cường khả năng chống chịu khu vực ven biển”, đã chỉ ra đâu là những rủi ro lớn nhất, những biện pháp cụ thể và nhà nước Việt Nam cần phải làm. Báo cáo đánh giá “dù đã có tiến bộ đáng kể, nhưng các biện pháp quản lý rủi ro thiên tai hiện tại của Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu”.
Báo cáo cho rằng các biện pháp hiện nay mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện khá ấn tượng và đưa Việt Nam trở thành nước dẫn đầu trong khu vực về quản lý rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, các biện pháp chưa đầy đủ để ứng phó với những rủi ro hiện tại.
Lũ lụt xảy ra liên tiếp ở miền Trung, gây ảnh hưởng nặng nề tới hàng triệu người dân
Theo báo cáo trên, những thảm họa như lũ lụt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Trong khi đó, ngày càng có nhiều người đến định cư ở các khu vực có rủi ro cao, có nhiều hoạt động kinh tế diễn ra ở các khu vực duyên hải hơn, như du lịch ven biển. Do đó, khả năng nền kinh tế phải chịu tác động từ rủi ro này sẽ cao hơn.
Vì vậy, Việt Nam cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ những thành quả phát triển đã có và để bảo đảm sự phát triển trong tương lai trước những cú sốc thiên tai.
Với các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã áp dụng để bảo vệ người dân, vẫn có khoảng 12 triệu người đang phải đối diện trực tiếp với mối đe dọa từ lũ lụt. Đối với sạt lở bờ biển, khoảng 35% số khu định cư ven biển phải chịu ảnh hưởng từ sạt lở.
Báo cáo đề cập đến 3 lý do dẫn đến những rủi ro này: một là tốc độ đô thị hóa nhanh, hai là kinh tế phát triển và thứ ba là biến đổi khí hậu.
Để đảm bảo Việt Nam có thể tiếp tục phát triển thành công, báo cáo cho rằng cần cân nhắc về khả năng phục hồi một cách có hệ thống hơn, trên tất cả các lĩnh vực khác nhau từ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch, các dịch vụ công, trường học và bệnh viện…
Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam thực hiện kế hoạch hành động trong 5 lĩnh vực: Trước hết là tăng cường dữ liệu và các công cụ ra quyết định mà chính phủ đã có để đưa ra các quyết định thông minh hơn; Thứ hai là tập trung thực thi triệt để quy hoạch không gian có tính đến rủi ro để sự phát triển trong tương lai không thực hiện ở các khu vực có rủi ro cao; Thứ ba là tăng khả năng chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công; Thứ tư là giải pháp dựa trên thiên nhiên; Thứ năm là tăng cường năng lực phòng ngừa và ứng phó.
Báo cáo cũng đề xuất kế hoạch hành động trong 5 năm tới mà Chính phủ Việt Nam có thể thực hiện cho một chiến lược tăng cường khả năng chống chịu, ước tính chi phí có thể là 500 triệu USD với một loạt dự án thí điểm ở các tỉnh khác nhau.
Hoàng Hiền (t/h)