Những thành tựu ghi nhận
Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn 2008 – 2018, với sự nỗ lực vượt bậc, ngành chăn nuôi nước nhà đã đạt nhiều thành công đáng ghi nhận, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5 đến 6%/năm, trong đó giai đoạn 2011 – 2015 đạt 4,5 đến 5%, từ năm 2016 đến 2018 đạt trung bình 6%/năm. Sản lượng thịt các loại tăng hơn 1,5 lần (từ 3,6 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn), trứng tăng 2,3 lần (từ gần năm tỷ quả lên 11,6 tỷ quả), sữa tươi tăng 3,6 lần (từ 262,2 nghìn tấn lên 936,7 nghìn tấn), thức ăn chăn nuôi (TĂCN) công nghiệp tăng gần 2,4 lần (từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn).
Ảnh minh họa
Đặc biệt, tổng đàn bò sữa tăng mạnh, từ 108 nghìn con năm 2008 lên 294,4 nghìn con năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,5%/năm. Sản lượng sữa tươi tăng nhanh, với sự góp sức của các doanh nghiệp (DN) có tiềm lực kinh tế như: TH True Milk (Nghệ An), Vinamilk (TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tuyên Quang….), sữa Mộc Châu (Sơn La). Một số sản phẩm chăn nuôi (thịt lợn sữa, trứng vịt muối, mật ong, tổ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa) được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực, châu lục và thế giới. Có sự chuyển dịch mạnh từ hình thức chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại công nghiệp.
Mục tiêu vào năm 2030
Trong nhiều năm qua, cùng với việc ký kết một loạt các thỏa thuận thương mại tự do với các đối tác tác trong ASEAN và các đối tác ngoài ASEAN như CPTTP, EVFTA, Việt Nam đã mở cửa tối đa về thương mại đối với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với năm 2008 thì hiện nay các mặt hàng xuất khẩu thuộc ngành chăn nuôi đã tăng đáng kể, nhiều mặt hàng mới tham gia xuất khẩu như: thịt gà chế biến, lòng đỏ trứng vịt muối, gà con giống, thức ăn chăn nuôi cho gia súc gia cầm, thức ăn chó mèo, thức ăn bổ sung, thuốc thú y…
Nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, Cục Chăn nuôi đề ra định hướng đến năm 2030, phần lớn các sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất theo mô hình trang trại và mô hình hộ chăn nuôi chuyên nghiệp. Sản phẩm chănnuôi bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đá ứng các tiêu chí về bảo đảm phúc lợi động vật, chi phí sản xuất thấp có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Phấn đấu đưa tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp đến năm 2030 đạt trên 40%.
Ngành chăn nuôi cũng đặt ra mục tiêu phải kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm, nhất là vấn đề ô nhiễm vi sinh vật, lạm dụng hoặc sử dụng bất hợp pháp thuốc thú y và hóa chất trong chăn nuôi. Mục tiêu nâng sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2030 đạt khoảng 6,6 triệu tấn. Trong đó: thịt lợn 60%, thịt gia cầm 30%, thịt gia súc ăn cỏ 10% . Trong đó xuất khẩu từ 20-30% sản lượng thịt lợn, 15- 20% thịt và trứng gia cầm. Sản lượng trứng, sữa đến năm 2030 khoảng 23 tỷ quả và khoảng 2,5 triệu tấn.
Minh Anh (t/h)