– Ngày 5/4, Đoàn công tác của Bộ NN & PT Nông thôn do ông Trần Quang Hoài – Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) dẫn đầu có chuyến thực tế cồn cát nổi bất thường giữa biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam).
>>> Bình Thuận: Báo động đỏ tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển nghiêm trọng
>>> Hiện trạng công tác quan trắc xâm nhập mặn ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ
Cồn cát trông như một đảo nhỏ nhìn từ trên cao này cách cảng Cửa Đại tầm 10 phút phút di chuyển bằng thuyền. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, có rất nhiều người dân địa phương và du khách đổ xô tìm tới đảo cát để dựng lều trại, vui chơi giải trí.
Cồn cát trên hình thành trên biển Cửa Đại giống hình khủng long, phía giữa có một hồ nước. Ảnh: Vnexpress
Kiểm tra tại hiện trường vào ngày 5/4, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai nhận định, đảo cát giống như đê ngầm chắn sóng khổng lồ. Từ đó, giảm rất lớn tác động của sóng biển vào bờ. Theo ông Hoài, đảo cát này đang chịu sự tương tác của rất nhiều yếu tố từ hạ nguồn sông Thu Bồn đổ ra cửa biển và ngược lại từ biển trở vào.
Tại đây, đoàn công tác đã tiến hành cắm mốc trong phạm vi 1 cây số để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến tình hình của khu vực bãi bồi. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa xác định được nguyên nhân hình thành đảo cát khổng lồ này. Thời gian đến, đơn vị sẽ thực hiện mua các tài liệu theo dõi qua vệ tinh về cồn cát này để có số liệu đánh giá chính xác nhất. Đồng thời sẽ đưa nhân lực, thiết bị vào Cửa Đại để đo vẽ cồn cát.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay, việc hình thành bãi bồi này là vấn đề rất phức tạp về mặt tự nhiên, nhất là ở khu vực gần cửa sông Thu Bồn và gần bờ biển Cửa Đại đang bị sạt lở trong suốt thời gian vừa qua.
Đoàn công tác Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai khảo sát cồn cát. Ảnh Vnexpress
Do đó, để có đánh giá ngay lúc này về sự phức tạp như thế nào hay diễn biến ra làm sao thì chưa thể đưa ra ngay được mà chúng ta cần phải có thời gian, có sự tham gia của các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu. Và phải thực hiện quan trắc toàn bộ khu vực này và phạm vi quan trắc rộng chứ không riêng gì khu vực xuất hiện bãi bồi. Có thể từ khu vực Đà Nẵng tới Quảng Ngãi, khu vực rộng lớn như thế mới có thể đánh giá được diễn biến trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Trên cơ sở quan trắc, đánh giá theo chiều dài lịch sử thì các nhà khoa học sẽ đưa ra những khuyến cáo nên ứng xử như thế nào đối với bãi bồi này.
Hà An (T/h)