Ngành công thương thực hiện giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa

20/07/2019 09:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương.

Trước lượng nhựa tiêu thụ bình quân toàn ngành đang có xu hướng ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh; nhằm tránh các tác hại của chất thải nhựa…

Ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư ngỏ tới các cơ quan, đơn vị có liên quan và đồng bào, chiến sĩ cả nước đề nghị thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề chất thải nhựa. Đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật giải quyết đồng bộ, hiệu quả vấn đề chất thải nhựa.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp (DN) ngành Công Thương có trách nhiệm phổ biến thông tin, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị tham gia hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”; có hành động thiết thực nhằn hạn chế sử dụng, tiến tới nói không với túi nilon và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giảm thiểu sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải trong đơn vị.

Với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, phải rà soát, đề xuất bổ sung các nội dung, nhiệm vụ nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong các hoạt động của ngành trong các chương trình, đề án đang triển khai thực hiện do Bộ Công Thương chủ trì về phát triển bền vững, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sản xuất sạch hơn; nghiên cứu, xây dựng các nội dung ưu tiên về quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới về ô nhiễm rác thải nhựa.

Đối với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, cần chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan rà soát quy định về quản lý chất thải rắn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN ngành Công Thương, thống nhất và tăng cường quản lý nhà nước về xả thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường theo cam kết của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu về giải quyết rác thải nhựa; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý chất thải và phế liệu, trong đó có phế liệu nhựa tại các DN ngành Công Thương, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…; nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường; phối hợp với Vụ Thị trường trong nước xây dựng văn bản quy định, hướng dẫn việc kiểm soát, hạn chế chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm tự phân hủy trong tự nhiên, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, đồ nhựa dùng một lần.

Vụ Khoa học và Công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, phát triển và chuyển giao các công nghệ sản xuất sản phẩm, vật liệu thân thiện với môi trường, tự phân hủy thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon khó phân hủy; đánh giá, đề xuất triển khai, nghiên cứu ứng dụng các mô hình, công nghệ tiên thiến xử lý, tái chế chất thải nhựa hiệu quả, bền vững.

Vụ Thị trường trong nước, cần đánh giá hiện trạng sử dụng, phát thải túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu “đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần” trình Bộ trưởng xem xét, ban hành; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần…

Cục Công nghiệp, xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng phát triển ngành nhựa (chủng loại sản phẩm, năng lực, công nghệ sản xuất…); đề xuất định hướng, giải pháp phát triển ngành nhựa theo hướng bền vững.

Văn phòng Bộ, xây dựng quy chế về hạn chế sử dụng túi linon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các hoạt động tại cơ quan, nơi làm việc, trình Bộ trưởng xem xét, ban hành; phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp từng bước xây dựng và hướng dẫn triển khai mô hình văn phòng xanh cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ…; phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dung một lần” với mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Các đơn vị báo chí, truyền hình trực thuộc Bộ, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan, cộng đồng, DN về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon, nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.

Riêng với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp và hoạt động nhằm thúc đẩy giảm phát thải chất thải nhựa tại địa phương…; nghiên cứu xây dựng, phát động phong trào chống chất thải rắn, chất thải nhựa trong ngành tại địa phương, vận động các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành ký cam kết, tuyên bố hành động chống rác thải nhựa.

Hiện nay, chất thải nhựa đang là vấn đề môi trường nóng, có tính toàn cầu. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi người dân Việt Nam ước tiêu thụ khoảng 30 – 40 kg nhựa/năm. Riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon/ngày. Với việc sử dụng ngày càng nhiều chất thải nhựa và túi nilon dẫn đến lượng thải bỏ loại rác thải này cũng tăng dần theo từng năm, trong khi tỷ lệ chất thải nhựa, bao bì và túi nilon không được tái chế sử dụng khoảng 2,5 triệu tấn/năm.

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngành công thương thực hiện giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.