Ngập úng ở TP. Hồ Chí Minh (Bài 1): Bài toán chưa có lời giải mỗi khi mùa mưa đến

An Nhiên|15/06/2020 13:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Mặc dù, liên tiếp được TP.HCM rót tiền đầu tư, các dự án chống ngập được kỳ vọng vẫn đang đứng trước nguy cơ trễ hẹn. Trong khi đó, tình trạng ngập nặng đang xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn TP dù mùa mưa chỉ mới bắt đầu, gây khó khăn cho việc đi lại và sinh hoạt của người dân.

Đường phố ngập như sông dù mới vào đầu mùa mưa

Một số chuyên gia khí tượng thủy văn nhận định, TPHCM đã bị ngập từ 10 – 15%. Thủy triều tại thành phố có xu hướng ngày càng lên cao. Dự kiến trong 7 – 10 năm tới, mưa đổ xuống kết hợp với triều cường dâng, nếu thành phố không có giải pháp chống ngập thì một phần ba diện tích sẽ chìm trong nước, tình trạng ngập lụt được dự báo sẽ phức tạp.

Thủy triều lên cao nhất tại TPHCM thường rơi vào khoảng tháng 11. Những tháng đầu năm không phải cao điểm, tuy nhiên thủy triều và mực nước tại các trạm đo được trong những ngày qua cao hơn so với đỉnh triều cùng thời điểm những năm trước. Trong các ngày từ 10 đến 13- 2-2020, nhiều nơi thủy triều lên khá cao, một số chỗ vượt mức báo động 3. Cụ thể, tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn, lúc 5 giờ ngày 11-2, triều cường đạt 1,65m, lúc 6 giờ ngày 12-2 có thể đạt 1,66m (vượt mức báo động 3 là 0,16m), đỉnh triều lúc 7 giờ ngày 13-2 là 1,57m. Trên kênh Đồng Điền, triều cường đo tại trạm Nhà Bè lúc 4 giờ ngày 11-2 đạt 1,64m, lúc 5 giờ ngày 12-2 là 1,65m, lúc 6 giờ ngày 13-2 là 1,59m.

Chưa kể ngày 8-4, lượng mưa lớn nhất đo được tại Bình Long (Bình Phước) lên đến 97,2mm, Phú Hiệp (Đồng Tháp) 85mm, cầu Cống Bà (Kiên Giang) 44mm, Châu Đốc (An Giang) 27mm. Trong khi lượng mưa trái mùa lớn như trên rất ít khi xảy ra vào tháng 4.

Tuy nước không quá cao như những đợt triều cường cuối năm 2019, song người dân TPHCM vẫn gặp không ít khó khăn vì ngập nước. Khảo sát một số nơi cho thấy, sáng 12-2 vừa qua, khu vực Thảo Điền (Q2) nước ngập tới gần nửa bánh xe máy. Thời gian này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, phương tiện lưu thông giảm đáng kể nên không xảy ra tình trạng ùn tắc, xe chết máy. Tại một số tuyến đường ở Q7, như: Lê Văn Lương, Gò Ô Môi…, triều cường dâng cao đến hiên nhà dân.

Ngập nước đang là vấn đề nhức nhối của TPHCM

Cơn mưa trái mùa kèm sấm chớp chiều 9-4 mới đây tuy không lớn, nhưng vẫn làm nhiều tuyến đường ở nhiều quận bị ngập. Co những nơi mưa lớn, nước ngập tới 60cm, không thoát kịp. Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, khi lưu thông qua khu vực gần chân cầu vượt Bình Phước (Q.Thủ Đức) hướng chợ Nông sản Thủ Đức đến ngã tư Ga, nước mưa dồn về gây ngập khá sâu. Anh Nguyễn Văn Hào (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết: “Đoạn đường này hễ mưa lớn là ngập. Nhiều lúc mưa lớn gặp thủy triều dâng là ngập gần nửa bánh xe. Đã vậy, còn gặp cảnh nước cống hôi thối, tanh tưởi tràn ra đường…”.

Mặc dù hệ thống thoát nước mới được xây dựng, nhưng nhiều đoạn trên QL13 như: khu “mũi tàu” – đoạn giao nhau giữa QL13 cũ và QL13 mới, khu vực trước Công ty Cân Nhơn Hòa, đoạn gần cầu Ông Dầu, cầu Đúc Nhỏ… xảy ra ngập thường xuyên, xe cộ, người dân di chuyển rất vất vả. Mưa cũng làm nhiều tuyến đường ở Thủ Đức, như: Võ Văn Ngân, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân… ngập nhẹ.

Tại một số chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở chân cầu Vĩnh Bình, Tỉnh lộ 43 (Q.Thủ Đức), Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh)…, lực lượng chức năng phải tạm ngưng do mưa lớn chiều 9-4. Tương tự, tại một số quận nội thành, như: 1, 2, 3, Bình Thạnh… khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, mây đen vần vũ, sau đó mưa lớn đổ xuống.

Mặc dù, đó mới chỉ là cơn mưa trái mùa nhưng lượng mưa tương đối lớn. Lượng mưa cao nhất chiều 9-4 trên địa bàn TPHCM là ở H.Củ Chi, đo được tới 68,2mm. Trận mưa này cũng làm nhiều tuyến đường ở Q12, H.Hóc Môn… bị ngập vào giờ tan tầm, các phương tiện di chuyển khó khăn. Tại các tuyến đường Song Hành QL22, Nguyễn Ảnh Thủ (Q12), một số chỗ trên QL22…, nhiều đoạn ngập gần nửa mét, xe cộ di chuyển chậm chạp, có lúc tắc nghẽn. Để tránh bị chết máy, một số xe phải di chuyển lên vỉa hè mới qua được chỗ ngập.

Sau trận mưa kéo dài khoảng một giờ, các tuyến đường ở Thảo Điền (quận 2) – nơi được mệnh danh ”khu nhà giàu” của TP Hồ Chí Minh mênh mông nước, ngày 9/5 – Ảnh: VNE

Cảnh ngập úng tái diễn hết năm này qua năm khác

Năm nào cũng vậy, chỉ vài trận mưa đầu mùa, lưu lượng nước không quá lớn, nhưng đã khiến nhiều khu vực trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngập sâu, xe chết máy la liệt, người dân bì bõm lội nước, phải chăng đây là dấu hiệu cảnh báo TP lại sắp bước vào một “mùa ngập” mới.

Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Trong đó, có đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Lương Văn Can (quận 8), Tân Hương (quận Tân Phú). Tuy nhiên, thực tế từ đầu mùa mưa đến nay, các tuyến đường này vẫn liên tục ngập nặng mỗi khi có mưa. Có nơi nước ngập hơn cả mét, từ ngoài đường vào hẻm, tràn vào nhà dân.

Đỉnh điểm vào ngày 10/5/2019, cơn mưa đầu mùa kéo dài chỉ 30 phút nhưng khiến nhiều tuyến đường ở nhiều quận huyện như Bình Thạnh, Thủ Đức, Quận 2, Quận 9… bị ngập úng nặng. Thậm chí các tuyến đường đã từng được công bố xoá ngập như Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Tân Hương cũng cùng chung cảnh ngộ.

Đặc biệt, đường Nguyễn Hữu Cảnh, nơi được xem là “rốn ngập” của TP xảy ra tình trạng ngập úng nặng, nước ngập gần 1 mét chỉ sau 15 phút khiến hàng loạt phương tiện lưu thông qua đây chết máy, trong khi nhiều người đi xe máy bị ô tô chạy qua tạo sóng xô ngã nhào. Không chỉ ngoài đường, các con hẻm, nhà dân trên hai tuyến đường này cũng bị nước tràn vào ngập sâu gần nửa mét gây hư hỏng nhiều tài sản, công việc kinh doanh ngưng trệ.

Điều đáng nói, để giải quyết tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh 2 – 3 năm nay, UBND TP đã thuê dịch vụ “siêu máy bơm” chống ngập của Công ty tập đoàn công nghiệp Quang Trung nhưng thời gian qua đường này không ít lần bị ngập.

Chị Minh Trang (một nhân viên văn phòng tại khu Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết: “Mới đầu mùa mưa mà nước đã ngập thế này thì không biết đến mùa, đến đợt cao điểm thì sẽ ngập như thế nào nữa. Nghe bảo có “siêu máy bơm” tưởng đâu sẽ không ngập, ai dè vẫn ngập như thường”.

Tình trạng ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh còn lan sang các tuyến đường, hẻm lân cận như đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Thương, nước ngập kéo dài trong nhiều giờ liền mới rút.

Mưa lớn trong thời gian dài sẽ gây ngập nặng tại TP.HCM – Ảnh: Châu Tuấn

Trong khi đó, cơn mưa ngày 11/5/2019, nhiều khu vực khác như đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), quốc lộ 1 đoạn qua ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cũng lênh láng nước, hàng loạt phương tiện di chuyển qua đây hết sức khó khăn.

Cũng trong cơn mưa ngày 11/5/2019, nhiều hộ dân sống trong khu vực Đường số 6 (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) phản ánh, cứ mưa xuống họ lại phải sống chung với ngập. Tại đây có một số vị trí trũng thấp, không có hệ thống thoát nước nên mỗi lần ngập phải mất vài tiếng đồng hồ nước mới rút. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến đi lại của người dân mà còn khiến việc kinh doanh của nhiều tiểu thương bị trì trệ.

Kể từ khi TP bước vào mùa mưa, người dân sinh sống ở tuyến đường nói trên luôn phải chống chọi với mưa ngập. Dù tìm đủ biện pháp nhưng họ vẫn phải chịu cảnh nước tràn vào nhà. Nhiều năm qua, tình trạng này vẫn không được khắc phục nhưng năm nay, mới đầu mùa, lượng mưa chưa nhiều nhưng tình trạng ngập xảy ra khiến người dân lo ngại năm nay tình trạng ngập sẽ gia tăng và nghiêm trọng hơn các năm trước.

An Nhiên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngập úng ở TP. Hồ Chí Minh (Bài 1): Bài toán chưa có lời giải mỗi khi mùa mưa đến