Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM chiều 4/6, trả lời về đơn giá dịch vụ chống ngập tại TP Hồ Chí Minh được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng và liệu người dân có phải trả phí này hay không?
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Khiết cho biết, hiện nay việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn TPHCM thực hiện theo chủ trương của Thường trực Thành ủy.
Theo đó, công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hình thức xã hội hóa, các công ty dịch vụ công ích quận, huyện và công ty tư nhận đều có thể tham gia đấu thầu. Năm 2020, Sở Xây dựng triển khai đấu thầu công tác duy tu, nạo vét công thoát nước, muốn đầu thầu phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập. Ông Khiết khẳng định thành phố sẽ chịu toàn bộ kinh phí cho công tác duy tu, nạo vé nên người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập này.
Ngập đang trở thành “căn bệnh nan y” của TP.HCM
Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết vừa qua, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật xây dựng đơn giá dịch vụ chống ngập để khi xã hội hóa, các đơn vị tư nhận thực hiện có đơn giá chi trả. Kế đến, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật ký hợp đồng thuê Phân viện Kinh tế miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng định mức và đơn giá chống ngập.
Sau khi được định mức đơn giá, công tác chống ngập sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ dưới hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm các dịch vụ công sử dụng ngân sách. “Kinh phí chi trả từ nguồn chi thường xuyên nên người dân không phải chi trả cho các chi phí này”, ông Khiết khẳng định thêm một lần nữa.
Về vấn đề vì sao các công trình chống ngập được đầu tư nhiều nhưng hiệu quả chống ngập không cao, mới đầu mùa mưa mà khu trung tâm TP Hồ Chí Minh đã bị ngập nước; bao giờ hết ngập… theo ông Huỳnh Thanh Khiết, TP Hồ Chí Minh đang triển khai rất nhiều dự án chống ngập theo nhiều chương trình, công trình trọng điểm khác nhau.
Hiện tại, đối với khu trung tâm đến 2021 sẽ hoàn toàn hết ngập khi các công trình chống ngập hoàn thành và kết nối tốt với nhau. Các khu vực vùng ven hiện nay vẫn còn tình trạng bị ngập, việc khắc phục phải căn cứ vào các công trình, chương trình chống ngập trọng điểm của TP.
Được biết, trong năm 2019, Thành phố triển khai xây dựng 218 dự án chống ngập với tổng kinh phí gần 8.000 tỉ đồng.
Mai An (t/h)