Ngày Nước thế giới năm 2022: Cấp thiết bảo vệ nguồn nước ngầm trước thực trạng bị khai thác quá mức

Tuấn Kiệt|22/03/2022 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo các chuyên gia, hiện nay tại nước ta nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức, làm giảm chất lượng đến mức nhiều nơi chưa thể phục hồi và gây ra nhiều hệ lụy khác như tình trạng sụt lún hay xâm nhập mặn… Vì vậy, chúng ta cần sớm có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc hạn chế khai thác, sử dụng hợp lý cũng như bảo vệ nguồn nước dưới đất.

Từ năm 1992, Liên Hợp Quốc chọn ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước Thế giới. Chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2022 là “Nước ngầm” (Groundwater) nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.

Ngày Nước thế giới năm 2022 với chủ đề “Nước ngầm – Biến thứ vô hình thành hữu hình” đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngày Nước thế giới năm 2022 với chủ đề “Nước ngầm – Biến thứ vô hình thành hữu hình”

Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức

Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, thống kê sơ bộ, tổng lượng khai thác nước dưới đất trên toàn quốc ước tính khoảng 10,5 triệu m3/ngày đêm (chiếm khoảng 17,2% trữ lượng nước dưới đất có thể khai thác), trong đó có nhiều thành phố, đô thị lớn chủ yếu khai thác nguồn nước dưới đất như Hà Nội, HCM, Cần Thơ, Mỹ Tho (Tiền Giang), Vũng Tàu,… Nguồn nước dưới đất được khai thác để cấp nước cho nhiều mục đích khác nhau, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt (đô thị, nông thôn), sản xuất, ngoài ra còn khai thác để phục vụ cho một số mục đích khác (tưới cà phê, cây công nghiệp ở Tây Nguyên; nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát ở ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau,…).

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, tại tất cả vị trí đo đạc, mực nước ngầm đã giảm sút, có những nơi rất nghiêm trọng, đặc biệt vào mùa khô tại các tỉnh ven biển như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Hệ quả là tình trạng lún sụt mặt đất đang xảy ra ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Việc khai thác nước dưới đất với số lượng lớn và mật độ cao đã làm suy giảm nguồn nước dưới đất, dẫn đến tăng số lượng giếng khai thác, tăng thời gian và chi phí tưới tiêu, giảm năng suất. Ngoài ra, việc bơm quá mức nước ngầm cho các hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản khiến nước ngầm trong tầng chứa nước bị nhiễm mặn.

Ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình quan trắc cho thấy mực nước dưới đất đều có xu hướng hạ thấp theo thời gian với tốc độ trung bình khoảng 0,06 – 0,4 m/năm tùy theo tầng chứa nước, trong đó các tầng chứa nước có tổng lượng khai thác lớn, có tốc độ hạ thấp lớn hơn, trong khoảng 0,3 – 0,4 m/năm. Đối với vùng ven biển, đặc biệt là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng – nơi mà nước dưới đất được sử dụng chính cho nhu cầu sinh hoạt sản xuất nông nghiệp và cả nuôi trồng thủy sản. Mật độ công trình khai thác nước dưới đất ở Vĩnh Châu cao dẫn đến chất lượng và mực nước dưới đất tại Vĩnh Châu đã hạ thấp đáng kể trong những năm trở lại.

Hiện Cà Mau có khoảng 180.000 giếng nước ngầm; trong đó 40.000 giếng nước đã bị ô nhiễm nghiêm trọng (theo tiêu chuẩn quy định phải đóng nắp, không được sử dụng do không bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh). Một số vùng không thể khai thác nước ngầm vì không có nước. Tuyến kênh 29 thuộc rừng tràm U Minh Hạ người dân đã thử khoan độ sâu hơn 200 mét nhưng vẫn không có nước. Có điều nghịch lý là dù số lượng giếng nước ngầm nhiều như vậy nhưng hiện còn tới 20% hộ dân nông thôn ở tỉnh Cà Mau không có nước sạch để dùng.

Tại tỉnh Bến Tre, hạn mặn tấn công nặng nề nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên việc khoan giếng tầng nông trái phép diễn ra nhiều, nhất là các xã có vườn sầu riêng, chôm chôm như: Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Túc, Tân Phú… Điều này cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm trên địa bàn.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bạc Liêu cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 93.000 giếng khoan. Các địa phương có số lượng giếng khoan nhiều là huyện Vĩnh Lợi với hơn 25.800 giếng, Đông Hải gần 16.000 giếng, Thị xã Giá Rai hơn 15.800 giếng… Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm là nhiều nơi người dân lạm dụng việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt, gây lãng phí nguồn tài nguyên này, nhất là việc khoan giếng nước ngầm phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, Khoa Môi trường và Tài nguyên (Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 2000 đến nay, lượng khai thác nước ngầm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng, hiện tại đã lên đến hơn 700.000 m3/ngày. Việc khai thác quá mức khiến nước ngầm đang suy giảm, đặc biệt các quận ngoại thành như Gò Vấp, Tân Bình… mực nước ngầm đã xuống tới 40 m so với mặt đất. Việc sụt lún mặt đất xảy ra ngày càng nhiều do khai thác quá mức lượng nước ngầm trong khối đất vốn có tác dụng giúp giữ ổn định.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hà Quang Khải, năm 2019 cũng xảy ra nhiều vụ sụt lún ở quận Bình Chánh. Theo ghi nhận, nền đất sụt lún trung bình 4 cm/năm, phần lớn liên quan đến hoạt động của con người, trong đó một phần trực tiếp do khai thác nước ngầm. Theo nhiều nghiên cứu của trường Đại học Bách khoa, tình trạng khai thác nước ngầm đã dẫn đến ô nhiễm chất lượng nguồn nước và xâm nhập mặn ở nhiều khu vực như Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Cố vấn Nghiên cứu Khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu – Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, việc gia tăng sử dụng nguồn nước ngầm trong những năm gần đây là vấn đề nhiều nơi đã báo động, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu – nước biển dâng, tác động của việc giảm sút nguồn nước sông Mê Công và nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất nhiều hơn.

Nói về vấn đề nguồn nước bị thất thoát, ông Nguyễn Minh Khuyến nói: Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%), công suất khai thác nước thực tế còn thấp hơn rất nhiều so với năng lực thiết kế nhất là khai thác nước trong thủy lợi, nông nghiệp. Hầu hết các hệ thống công trình thủy lợi đều chưa khai thác đạt năng lực thiết kế mà chỉ ở mức từ 50 đến 90% tùy theo từng khu vực. Trong khi, việc điều tiết nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, chưa tiết kiệm, thất thoát nước còn lớn (trong thủy lợi khoảng 30%).

Đối với hệ thống thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước mới chỉ bê tông hóa các hạng mục đầu mối quan trọng, hầu hết hệ thống đấu nối ra đồng ruộng là các kênh đất, được xây dựng từ khá lâu, từ khi đất nước còn rất nghèo, trình độ khoa học công nghệ còn thấp nên thất thoát nước còn lớn và rất khó kiểm soát. Hầu hết hệ thống kênh dẫn đang sử dụng hiện nay là kênh hở nên việc bốc hơi nước trong điều kiện mùa khô là cao, đặc biệt là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận…Nhiều hồ được xây từ rất lâu nên công nghệ sử dụng lạc hậu, chủ yếu là đập đất; hạ tầng đấu nối đi kèm không thể tương thích cũng làm giảm hiệu quả hoạt động của công trình; nhiều hồ không thể tích được đủ nước theo dung tích thiết kế, thậm chí không thể tích nước, mất an toàn..nên cũng ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng nước.

Nông nghiệp là ngành sử dụng nước lớn nhất và hiệu quả sử dụng nước của ngành này sẽ quyết định nguồn cung nước cho các mục tiêu sử dụng khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nước trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta hiện nay, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, còn thấp. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) năm 2018, hiệu suất sử dụng nước cho nông nghiệp của Việt Nam tuy có cải thiện qua các giai đoạn nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 0,2 USD/m3. Theo đánh giá của WB năm 2019, nước sử dụng trong nông nghiệp chiếm 81% tổng lượng nước của Việt Nam nhưng hiện chỉ tạo ra 17-18% GDP và tạo việc làm cho 45% lực lượng lao động.

Các đô thị ngày càng tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến. Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến năm 2018, hơn 45 triệu người đã thoát nghèo, tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6% (3,2 USD/ngày theo sức mua ngang giá). GDP đầu người tăng 2,5 lần, đạt trên 2.500 USD năm 2018. Hiện nay, mỗi năm cả nước sử dụng khoảng 80,2 tỉ m3 nước, trong đó, nước mặt khoảng 77,2 tỷ m3 (chiếm 95,3% tổng lượng nước khai thác, sử dụng trên cả nước cấp cho các ngành dùng nước) và lượng nước dưới đất khai thác sử dụng chỉ khoảng 3,83 tỷ m3/năm (chiếm 4,7% tổng lượng nước khai thác, sử dụng). hiệu quả sử dụng nước còn thấp chỉ tạo ra 2,37 đôla GDP/m3 nước bằng khoảng 1/10 so với mức trung bình toàn cầu là 19,42 USD, thấp hơn Philippines 2,58 USD.

Những hệ lụy khôn lường từ việc khai thác nước ngầm quá mức

Việc khai thác nước quá mức gây ra những hậu quả đáng lo ngại. Kết quả nghiên cứu bước đầu do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện (Dự án “Điều tra, đánh giá địa động lực hiện đại để hoàn thiện kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất giải pháp thích ứng ở ĐBSCL”) đã ghi nhận xu thế nâng, hạ-sụt lún vùng TP.HCM và ĐBSCL có biên độ nâng, hạ ở mức độ khác nhau, trong đó: vùng có biên độ nâng (từ 2,4 – 11,4mm/năm) có diện tích khoảng 5,8 nghìn km2 thuộc khu vực các tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần diện tích ở Đông Bắc TP.HCM; vùng có biên độ hạ (từ 7,4 – 11,8 mm/năm) phân bố trên toàn bộ diện tích còn lại của ĐBSCL và TP.HCM với diện tích khoảng 36,8 nghìn km2. Việc sụt lún do nguyên nhân tự nhiên có xu hướng giảm dần cho đến khi đồng bằng ổn định.

Nước ngầm bị khai thác đến cạn kiệt sẽ gây ra sụt lún, sạt lở đất

Về các yếu tố nhân tạo: Các yu tố gây sụt lún đất bao gồm: Suy giảm phù sa, hoạt động xây dựng công trình tập trung; độ rung do hoạt động giao thông vận tải… và do khai thác nước dưới đất quá mức. Đến nay, chưa có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xác định mức độ tác động của từng nguyên nhân gây lún nêu trên. Nhưng khai thác nước dưới đất quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, quy mô, mức độ tác động làm gia tăng quá trình lún còn phụ thuộc vào đặc điểm của từng khu vực cụ thể. Có khu vực khai thác với mật độ cao nhưng lại không bị lún hoặc lún ít hơn so với các khu vực khai thác với mật độ nhỏ hơn; có khu vực không khai thác nhưng vẫn bị lún, thậm chí còn bị lún cao hơn.

Ông Khuyến kết luận có thể thấy tình trạng sụt lún đất tại từng khu vực là hệ quả tổng hợp của các nguyên nhân tự nhiên, nhân tạo. Trong đó, tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của mỗi khu vực mà có thể do nhóm nguyên nhân về tự nhiên hoặc nhóm nguyên nhân do hoạt động của con người (trong đó có khai thác NDĐ, xây dựng kết cấu hạ tầng) là nguyên nhân chính. Vấn đề này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện, cụ thể đối với từng khu vực để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Những giải pháp cấp bách bảo vệ nguồn nước ngầm

Ông Nguyễn Minh Khuyến thông tin để tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, ứng phó với suy giảm chất lượng nước ngầm, Bộ TN&MT đã và đang thực hiện một số giải pháp như sau:

Tập trung vào việc sửa đổi Luật tài nguyên nước, trong đó chú trọng việc sửa đổi, bổ sung các chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhằm bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên nước dưới đất;

Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên nước dưới đất tại các địa phương, đặc biệt là việc ban hành Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất phù hợp; xử lý, trám lấp các giếng hỏng, không sử dụng nhằm hạn chế ô nhiễm nước dưới đất;

Tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia trong đó quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn;

Tổ chức thực hiện đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt; Đề xuất từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất;

Ngoài ra, tiến hành nghiên cứu áp dụng các giải pháp để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, giảm dần việc khai thác nước dưới đất; nghiên cứu áp dụng các giải pháp lưu giữ nước mưa ở các khu đô thị, dân cư tập trung nhằm giảm bớt tình trạng ngập úng, đồng thời bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất.

Ứng dụng công nghệ để sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước, bảo vệ nguồn nước ngầm

Để quản lý tốt hơn tình trạng khai thác nước ngầm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2018-NĐ-CP quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất. Trong đó quy định, các địa phương tổ chức khoanh định, công bố Danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác tại các khu vực nước dưới đất có nguy cơ bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất… Nhằm hạn chế việc hạ thấp mực nước quá mức trong các tầng chứa nước, Nghị định có những quy định cụ thể ngưỡng giới hạn về mực nước dưới đất tùy theo từng khu vực.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, trước hết các đô thị lớn, các vùng kinh tế trọng điểm cần hạn chế khai thác lưu lượng nước dưới đất quá lớn tại các khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn (ít nhất giảm việc khai thác khoảng 1% cho mỗi năm). Các khu vực ven biển nên có quy hoạch khu vực khai thác nước an toàn đối với mỗi lưu lượng khai thác nước nhằm hạn chế dịch chuyển ranh giới mặn nhạt và giảm tốc độ xâm nhập mặn.

Ngoài biện pháp lưu trữ nước ngọt, tiết kiệm sử dụng nước và chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, có thể áp dụng kỹ thuật bổ cập nước ngầm nhân tạo bằng cách bơm nén nguồn nước ngọt từ nước mưa, nước lũ, nước sông sạch xuống các vỉa nước dưới đất để dần dần phục hồi trữ lượng như trước đây.

Theo ông Triệu Đức Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần áp dụng giải pháp tích hợp theo hướng tiếp cận liên kết vùng. Trước mắt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Quy hoạch tổng thể trên cơ sở rà soát các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước, giao thông thủy, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường vai trò điều phối, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Các cơ chế liên kết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đưa vào hoạt động để đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững phù hợp với đặc điểm hệ sinh thái tự nhiên, các mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển bền vững tài nguyên nước…

Nhằm ứng phó với suy giảm chất lượng nước ngầm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Khuyến cho rằng, các địa phương thực hiện quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước quốc gia trong đó quy hoạch khai thác hợp lý, điều chỉnh phương án khai thác nước dưới đất hiện tại cho phù hợp, đảm bảo tổng lượng khai thác không vượt quá trữ lượng của nước dưới đất, không vượt ngưỡng giới hạn khai thác an toàn…

Cùng với đó, Cục đã đề xuất từng bước đầu tư nâng cấp, hoàn thiện việc xây dựng, vận hành hệ thống giám sát hoạt động khai thác nước dưới đất để theo dõi, phát hiện các công trình bị suy giảm mực nước quá mức và có phương án xử lý kịp thời; nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về nước dưới đất.

Tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc khai thác nước ngầm tràn lan là một trong các nguyên nhân chính gây sụt lún, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, với nền địa chất ở khu vực này yếu, trong khi có nhiều công trình xây dựng lớn dẫn đến nguy cơ sụt lún cao ở đây. Chính phủ có đề án điều tra, đánh giá tổng thể về các nguyên nhân như sử dụng nước ngầm, cấu trúc địa chất trong khu vực ở thời điểm hiện tại, để từ đó, đưa ra giải pháp toàn diện, đặc biệt là sẽ có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc tăng cường vai trò và định hướng chiến lược địa chất.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trước mắt, cần sử dụng nước mặt thay cho khai thác nước ngầm để phục vụ phát triển kinh tế -xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực này. Các địa phương ở trong vùng khi phát triển hạ tầng cần có tính toán, dựa trên các số liệu khoa học về địa chất, công trình thủy văn để đưa kế hoạch thực hiện phù hợp với thực tiễn

Tuấn Kiệt

Bài liên quan
  • Báo động ô nhiễm nguồn nước ngầm và sự sụt giảm nghiêm trọng
    Moitruong.net.vn – Nguồn nước ngầm là một hợp phần quan trọng của tài nguyên nước. Là nguồn cung cấp nước rất quan trọng cho sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước này đang bị suy giảm trữ lượng đồng thời bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng và có thể gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngày Nước thế giới năm 2022: Cấp thiết bảo vệ nguồn nước ngầm trước thực trạng bị khai thác quá mức
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.