Moitruong.net.vn – Với nhiều người Việt Nam, Tết là ngày đoàn viên, ngày gia đình, ngày để mỗi người dù bận đến mấy cũng quay về cội nguồn tổ tiên, nhớ về những ký ức êm đềm và văn hoá truyền thống vốn là gốc rễ trong hành trang ứng xử của mỗi người. Bởi thế, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những câu dân ca đượm tình làng quê trở nên gần gũi và được nhiều người thích nghe hơn cả.

Sản phẩm Tết đượm tình làng quê

Trước Tết độ một tháng, rất nhiều nghệ sĩ dòng dân gian ồ ạt ra mắt các sản phẩm nghệ thuật với hình ảnh hướng về Tết truyền thống đậm nét. Nhiều ca sĩ dù bận rộn với lịch diễn cuối năm cũng kịp cho ra mắt sản phẩm DVD, album Tết với giai điệu quê hương ngọt ngào được thực hiện chỉn chu, kỳ công.

Những sản phẩm âm nhạc dân gian gửi đến người yêu nhạc trong dịp đầu xuân năm mới” với nhiều hình ảnh về quê hương, đất nước thanh bình. Đều là sản phẩm âm nhạc được thực hiện dày công của các nghệ sĩ dòng dân gian khi các cảnh quay được thực hiện ở nhiều địa danh nhưng chủ yếu gợi nhớ đến cảnh thôn quê yên ả với cánh đồng mênh mông lúa và những cánh cò bình yên.

Rộn ràng MV Tết nhạc truyền thống

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh sang cả lĩnh vực nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ chọn cách ra MV (music video) để giới thiệu tới công chúng sản phẩm một nhanh nhất, ít tốn kém về mặt kinh tế như là ra DVD hay album. Đó là lý do, dịp Tết Nguyên đán có rất nhiều MV âm nhạc về Tết được giới thiệu dày đặc tới công chúng, khiến không khí ngày xuân thêm phần rộn ràng.

Mỗi MV là một màu sắc khác nhau nhưng tất cả đều nói về không khí, tâm trạng vui đón Tết. Có MV phản ánh không khí đón Tết rộn ràng với hoa đào, hoa mai tưng bừng, ròn rã tiếng cười; có MV hướng đến văn hoá truyền thống với những nét đẹp như gói bánh chưng, chúc tết họ hàng; có MV nói lên nỗi lòng của những người con xa xứ luôn đau đáu hướng về quê hương, cội nguồn; có MV nói về ngày Tết đơn giản chỉ là nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, những ký ức, hoài niềm về thời thơ ấu ở vùng quê êm đềm…

Với cảm nhận, tâm tư rất riêng về Tết, màu sắc âm nhạc trong các sản phẩm cũng khác nhau. Dù thể hiện trên chất liệu dân gian nhưng có những sản phẩm mang nét nhạc tươi vui, trẻ trung, và cũng có sản phẩm khiến người nghe nao nao nhớ nhà. Dù thể hiện ở mảng màu sắc nào, không khí Tết trong các sản phẩm âm nhạc ngày Xuân đều hiện lên gần gũi và thân thương.

Tết với âm nhạc truyền thống

Những cung bậc của nhạc cụ truyền thống từ sáo, đàn bầu, đàn tranh… khiến ngày tết, ngày xuân thêm đậm đà phong vị dân tộc.

Từ các sân đình, lễ hội ngày xuân, âm nhạc cổ truyền dần dà được người dân xứ Quảng đón nhận nhiều hơn. Trong những nếp nhà cũ, hòa tấu nhạc cụ dân tộc vọng từ phía hồ sen, theo người thăm thú vào cả những gian nhà. Khi một bản hòa tấu được cất lên từ những loại nhạc cụ truyền thống, người nghe như gặp lại cảm giác quen thuộc. Bởi đó cũng là một phần hồn vía dân tộc, ít nhiều đã nằm trong ký ức của số đông người Việt.

Trong suy nghĩ của ông/ cha chúng ta, hông gian để thưởng thức âm nhạc cổ truyền cực kỳ dân dã, giản dị. Nhiều khi chỉ cần gian nhà nhỏ với một nhóm người say mê. Đến với không gian âm nhạc truyền thống, chúng ta được lắng lòng cùng những giai điệu của một mùa xuân truyền thống, có nhịp réo rắt của sáo, âm thanh thánh thót của đàn bầu, đàn tranh. Những người xa quê lâu năm, tết có dịp về thăm quê nhà được thưởng thức âm nhạc truyền thống trong không gian xanh và yên bình như một làng quê Việt, cứ mong thời gian ngưng đọng lại. Với mỗi người Việt, ngày tết, ngoài dịp sum họp, còn là cơ hội để sống cùng những điều xưa cũ. Và những điều đó đã có cơ hội chảy về theo dòng nhạc truyền thống êm ái, mềm mại kia…

Sẽ không đủ đầy nếu nói về âm nhạc cổ truyền lại không nhắc đến những đội nhạc lễ ở các hội xuân, sân đình. Không có họ, ngày xuân có lẽ nhiều nhạt phai. Đội nhạc lễ không đòi hỏi phải chơi thăng hoa như những nhóm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, nhưng buộc họ phải có khiếu âm nhạc và am tường phần lễ. Tri thức dân gian tích tụ qua thời gian, tự họ mày mò học hỏi qua các thế hệ trước, rồi qua các phương tiện nghe nhìn. “Để thể hiện được cái hay của nhạc cổ trong tế lễ, đòi hỏi phải giỏi phần nhạc và am hiểu về phần lễ. Chẳng hạn, trong lễ hội đình làng, khi tiến hành các bước nghi lễ như gia lễ, học trò lễ thì phải đánh các bài nhạc phù hợp, khớp với từng động tác, nghi thức của người làm lễ”. Lời chia sẻ đó là nỗi lòng đau đáu của cụ ông Thái Văn Lịch, người làng Thu Bồn (Duy Tân, Duy Xuyên) về một đội nhạc lễ đúng chất cho Lệ Bà Thu Bồn hàng năm. Ngoài các loại đàn, đội nhạc lễ cần phải có chiêng trống, bát âm, cờ phướn. Họ phải tập cùng người diễn xướng trước ngày khai hội để có thể kết hợp nhuần nhuyễn.

Âm nhạc truyền thống luôn là dòng suối tươi mát tâm hồn mỗi con người trong suốt cuộc đời

Bảo tồn âm nhạc truyền thống, hay những giá trị văn hóa dân gian, lẽ đương nhiên phải làm thức dậy, tạo ra môi trường thụ hưởng nghệ thuật truyền thống cho người dân. Ngành văn hóa Quảng Nam, trong những ngày đầu năm 2015, xác định mục tiêu trong thời gian tới là tìm cách bảo tồn, lưu giữ vốn quý văn hóa dân gian, bằng những chương trình kiểm kê, sưu tầm tại các địa phương. Cũng như vậy, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khuyến khích các nhạc sĩ tiếp tục sử dụng chất liệu truyền thống trong tác phẩm của mình. Mong rằng với những động thái tích cực như vậy, nhạc cổ truyền cùng những người chọn đây là một cái nghiệp, sẽ có chỗ đứng vững vàng trước vô số loại hình nghệ thuật giải trí.

Ngày xuân với hội làng đã bắt đầu, chạy dọc theo sông mẹ Thu Bồn với những ngôi làng dày dặn văn hóa dân gian. Hội nên xuân, và xuân vẫn cứ thơ thới dịu ngọt…

Trong đời một con người, không ai lại chưa từng được một lần nghe câu hát ru của bà, của mẹ hay một khúc dân ca quê nhà. Bắt nguồn từ đời sống của nhân dân, lắng đọng như trầm tích những vẻ đẹp sâu lắng của văn hóa từng vùng miền, dân ca Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một giá trị văn hóa tinh thần không thể thiếu của dân tộc Việt Nam. Dân ca Việt Nam là một phần hồn cốt của con người Việt Nam đặc biệt mỗi độ Tết đến xuân về.

Nếu xưa kia, như một lẽ tất yếu, âm nhạc truyền thống luôn là dòng suối tưới mát tâm hồn mỗi người trong suốt cuộc đời, thì tới nay, còn có mấy ai được sống trong “bầu khí quyển” âm nhạc tự nhiên và thuần khiết đó. Không được cảm nhận và hưởng thụ từ lúc còn thơ, người ta chỉ có thể tiếp cận một cách thụ động, chắp vá vốn âm nhạc dân tộc của cha ông qua những vở diễn sân khấu hay vài chương trình truyền hình, phát thanh lẻ tẻ, hay qua các không gian lễ hội những ngày đầu xuân.

Vì vậy, những ngày đầu xuân năm mới, một không gian âm nhạc truyền thống luôn tràn ngập khắp mọi nẻo đường Tổ quốc thân yêu.

Nguyệt Minh

Bài liên quan
  • Hương vị bánh tét ngày xuân của người Nam Bộ
    Moitruong.net.vn  – Từ lâu, bánh tét đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực Nam Bộ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Nếu như miền Bắc nổi tiếng có bánh chưng thì ở đất phương Nam lại nức tiếng với hương vị mộc mạc, dân dã của bánh tét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Ngày Tết nghe điệu dân ca
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.