Ngày 30/5 ông Trương Văn Hóa – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết: Hiện tượng sụt lún tại địa phương bắt đầu từ năm 2020, đồng thời các giếng nước cũng bị khô cạn tại các bản Na Hiêng, Na Noong, bản Poong, bản Công. Đến khoảng tháng 4 năm 2021 xảy ra sụt lún tại cánh đồng lúa bản Na Hiêng. Sau đó xuất hiện hố sụt lún tại bản Công, một hố tại nhà ông Lương Văn Bình bản Na Noong, hố tử thần có chiều rộng khoảng 2m, sâu 1,5m. Đến tháng 4 năm 2022 tại hộ ông Nguyễn Văn Thủy xuất hiện hố sụt lún tại phòng khách đường kính rộng 1 mét, sâu 50cm.
Ngày 21 tháng 5 xảy ra hố sụt lún rộng 2m, sâu 1m phía sau nhà ông Nguyễn Văn Dự tại bản Poong. Ngày 22/5 sụt lún 1 hố rộng 2m, sâu 4m tại nhà ông Ngân Văn Thủy xã Châu Hồng. Ngày 23/5 xuất hiện sụt lún một hố tại cánh đồng bản Công rộng 2m, sâu 4m. Tới ngày 27 tháng 5 tiếp tục xuất hiện hố sụt lún phía sau móng nhà tường nhà ông Điện Viết Tứ thuộc bản Na Hiêng, ông Hóa cho biết thêm
Hố tử thần xuất hiện tại nhà ông Điện Viết Tứ
Tổng số hố sụt lún tính đến ngày 27/5 có 25 hố và 1 giếng của ông Vi Văn Hóa bị sập. Các hố sụt đa số có chiều rộng hơn 2m, sâu từ 1,5m đến hơn 3m. Việc liên tiếp xuất hiện các “hố tử thần” khiến người dân trên địa bàn xã Châu Hồng hoang mang, lo lắng và sống trong tình trạng bất an.
Ông Trương Văn Hóa – Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An
Cũng theo ông Hóa, hố “tử thần” xuất hiện tại địa bản xã Châu Hồng làm ảnh hưởng khoảng 335 hộ dân, trong đó bản Na Hiêng có tới 145 hộ.
Ông Điện Viết Tứ, 58 tuổi ở xóm Na Hiêng cho biết, ngày 27/5, phía sau móng nhà ông xuất hiện một hố “tử thần” khiến cả gia đình sợ hãi.
Được biết, trước đó, chiều 16/5, một hố “tử thần” khủng xuất hiện tại bản Công (xã Châu Hồng) với chiều rộng hơn 3m, sâu hàng chục mét, đứng từ trên không thể nhìn thấy đáy. Cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp đã yêu cầu chính quyền xã túc trực, rào chắn, canh gác để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trong đêm 16/5, rạng sáng 17/5, đơn vị khai thác quặng thiếc đã đưa máy đến lấp “hố tử thần” này lại.
Môt nhà dân ở bản Na Hiêng tường sắp bị đổ
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ cuối năm 2019 đến tháng 4/2022, xã Châu Hồng có 279 giếng nước sinh hoạt bị cạn trơ đáy; 13 hố sụt lún ở ruộng lúa nước, ven khe suối. Đặc biệt, cuối tháng 2, có 114 ngôi nhà bị sụt nền, rạn, nứt… Ước tính thiệt hại lên đến 57 tỷ đồng.
Hố tử thần tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng
Ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: Trước tình hình sụt lún và nứt nẻ tường nhà dân một cách bất thường, chính quyền huyện Quỳ Hợp hiện đã thuê Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ tiến hành khảo sát địa chất, tìm nguyên nhân hiện tượng sụt lún. Sau khi có kết luận nguyên nhân, huyện sẽ có phương án xử lý. Nếu địa chất trong khu vực không đảm bảo, gây nguy hiểm, chính quyền sẽ di dời các hộ dân trong vùng nguy cơ cao đến nơi an toàn, Được biết, UBND huyện Quỳ Hợp cũng đã thông báo đến một số doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động tại xã Châu Hồng yêu cầu tạm dừng bơm hút, khai thác nước ngầm cho đến khi có thông báo mới.
Kế Hùng