Sáng 11/7, tại kỳ họp họp thứ 9, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, vấn đề về công tác quản lý, chất lượng và giá nước sinh hoạt đã được các đại biểu tỉnh này đưa ra bàn thảo, chất vấn đối với các sở ngành có liên quan.
Liên quan đến công tác quản lý, thẩm định chất lượng và bàn thảo đến giá nước sinh hoạt, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ các nội dung sau: Tại sao không sử dụng nước của nhà máy sông Lam? Số tiền chênh lệch giá nước thô đầu vào tại điểm lấy từ sông Lam và sông Đào là bao nhiêu? Sao không thông báo chỉ số chất lượng nước để người dân yên tâm?
Đại biểu Lê Xuân Đại – nguyên phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nêu quan điểm: Sông Lam có thể hạn hán, giảm nước nhưng vẫn đủ nguồn nước thô và đáp ứng tiêu chuẩn nước sạch cơ bản để phục vụ cho người dân. Không có lý do gì để sử dụng nước sông Đào. Đây là việc không thể chấp nhận được”. Ông Đại đề nghị các ngành chức năng liên quan phải quan tâm đến chất lượng nguồn nước đầu vào, đảm bảo cung cấp cho người dân và đề nghị chấm dứt lấy nguồn nước sông Đào.
Ông Lê Xuân Đại mong muốn các doanh nghiệp phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết.
Trực tiếp trả lời các câu hỏi đặt ra, ông Nguyễn Trường Giang – Quyền Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho biết: Việc cung cấp nước sạch có liên quan đến nhiều sở, ngành, trong đó, Sở Tài nguyên & Môi trường chịu trách nhiệm chất lượng nước thô đầu vào, Sở Y tế chịu trách nhiệm chất lượng nước sạch đầu ra, Sở Tài chính quản lý giá nước, ngoài ra UBND các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm giám sát.
Nhắc đến việc bơm nước sông Đào, ông Nguyễn Trường Giang – Quyền Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đây là thỏa thuận dựa trên hợp đồng số 04 năm 2015 của Công ty TNHH MTV cấp nước và Công ty cấp nước Sông Lam với UBND tỉnh Nghệ An.
Sau khi thực hiện cổ phần hóa, Cty CP cấp nước Nghệ An hoạt động theo mô hình doanh nghiệp và cũng đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sử dụng nước sông Đào.
Công nghệ lắng lọc đơn giản ở nhà máy nước Hưng Vĩnh khiến người dân càng lo ngại hơn về chất lượng nước sạch đang được Công ty CP Cấp nước Nghệ An cung cấp.
Về chất lượng nước sạch đầu ra, ông Dương Đình Chỉnh – Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Các mẫu nước vẫn được Trung tâm Y tế dự phòng Nghệ An lấy mẫu, xét nghiệm theo quy định. Tuy nhiên, theo bộ quy chuẩn chất lượng nước thìphải đảm bảo 109 tiêu chí, nhưng với năng lực hiện tại của Nghệ An, thì mới chỉ tiến hành kiểm tra chất lượng với 24 chỉ tiêu. Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tiến hành thanh tra đột xuất các quy định của ngành y tế về cung cấp nước sạch ở tất cả các đơn vị; đồng thời gửi công văn tới Viện sức khỏe của Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ chuyên môn để xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm, Sở Y tế sẽ cung cấp tới các cơ quan chức năng.
Tiếp thu và giải đáp những ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – Thái Thanh Quý nói rằng: Vấn đề giá nước sinh hoạt là bài học cho những nhà quản lý, bởi không chỉ liên quan đến lợi ích của các nhà đầu tư, mà còn tác động đến cuộc sống của người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định: Quan điểm của tỉnh là đặt lợi ích, sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Và để giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ kiểm soát tối đa, đảm bảo chất lượng đầu ra, đầu vàocủa nguồn nước; yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt quan trắc tự động để kiểm soát cả đầu vào và đầu ra; đồng thời giám sát thường xuyên quy trình xử lý nguồn nước, cũng như sử dụng hóa chất hợp lý. UBND tỉnh cũng sẽ tính toán, phê duyệt giá nước sớm và hợp lý nhất. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ xây dựng quy chuẩn nước sạch tại các địa phương, quản lý tốt nước sinh hoạt cho người dân.
Mai Dung (t/h)