Theo đó, các phương án ứng phó với thiên tai được xây dựng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng và các công trình trọng yếu. Kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu đến nơi ở an toàn, nhất là đối với người già, người khuyết tật, trẻ em. Nâng cao hơn nữa tính chủ động của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các cấp và nhận thức của cán bộ, người dân trong công tác PCTT.
Thống nhất và chủ động trong chỉ đạo điều hành, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các ngành và các huyện, thành phố, thị xã. Trang bị phương án ứng phó thiên tai tổng quát để các địa phương, các ngành thực hiện; đồng thời xây dựng phương án cho địa phương, đơn vị mình.
Các nội dung của phương án ứng phó thiên tai gồm: Bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình trọng điểm; sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc; phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; nguồn nhân lực ứng phó thiên tai; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm; biện pháp ứng phó và khắc phục với các loại thiên tai; công tác tìm kiếm cứu nạn. UBND tỉnh đã xây dựng các phương án cụ thể đối với phương án ứng phó thiên tai.
Thực hiện sơ tán dân phù hợp với cường độ của từng cơn bão và theo Bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão gây ra đối từng khu vực tỉnh Nghệ An của Bộ NN&PTNT cấp ngày 6/4/2015, chia thành 5 kịch bản: Bão cấp 16 kết hợp với triều cường; bão cấp 15 kết hợp với triều cường; bão cấp 14 kết hợp với triều cường; bão cấp 13 kết hợp với triều cường; bão cấp 13 kết hợp với triều trung bình.
Để thực hiện sơ tán dân ngập lụt, ngày 25/8/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3743/QĐ-UBND.NN về việc phê duyệt rà soát bổ sung quy hoạch phương án phòng chống lụt bão, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh. Trong đó có kịch bản khi lũ trên sông Cả tại Nam Đàn đạt mức báo động III và báo động khẩn cấp, phạm vi sơ tán nhân dân sẽ ảnh hưởng đến 9 huyện, thành thị: Vinh, Con Cuông, Anh Sơn, Thành Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn. Trong trường hợp báo động khẩn cấp, dự kiến số người cần di dời, sơ tán là 94.360 người; đối với báo động III, dự kiến sơ tán 64.786 người dân.
Đối với kịch bản lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn các huyện miền núi, phạm vi sơ tán dân ảnh hưởng địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và 10 huyện, thị miền núi với dự kiến di dời tại chỗ 87.352 người.
Đối với sự cố hồ đập và xả lũ các hồ chứa lớn, phạm vi sơ tán dân đối với các hồ chứa không có cửa van điều tiết xả lũ, khi mưa lớn vượt quá tần suất thiết kế sẽ có nguy cơ gây sự cố hồ đập đặc biệt là các hồ đã xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng hạ du hồ chứa. Các hồ chứa do địa phương hay công ty quản lý, hàng năm đã có xây dựng phương án phòng chống lụt bão cho từng hồ. Do vậy khi có sự cố xảy ra, cần nhanh chóng thực hiện phương án sơ tán dân vùng hạ du kịp thời theo phương án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ở phạm vi của kịch bản VIII chỉ xây dựng phương án sơ tán dân khi có sự cố hồ đập cho những hồ chứa có quy mô lớn và hồ có quy mô trên 2 triệu m2 nhưng thực sự ách yếu.
Đối với hồ chứa lớn có cửa van điều tiết xả lũ: Hồ Vực Mấu cần xây dựng phương án sơ tán dân vùng hạ du hồ chứa và vùng lòng hồ Vực Mấu khi mực nước trên hồ +21m. Hồ Sông Sào cần xây dựng phương án sơ tán dân vùng hạ du hồ chứa và vùng lòng hồ Vực Mấu khi mực nước hồ trên +75.7 m.