Thái Nguyên: Giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra

Thùy Minh|22/05/2024 18:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm gần đây, các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại cả về người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Do vậy, để giảm nhẹ rủi ro, thiệt hại do thiên tai gây ra, các cấp, ngành của tỉnh Thái Nguyên đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống, ứng phó.

Thiên tai, sự cố diễn biến bất thường, xảy ra không theo quy luật, phức tạp và ngày càng cực đoan. Các loại hình thiên tai như: mưa lớn, lốc, sét, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất,… đã gây thiệt hại về người, tài sản, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Riêng đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra 5 đợt thiên tai làm 2 người bị thương và thiệt hại về tài sản ước tính trên 20 tỷ đồng.

Theo đánh giá, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gia qua đã có những chuyển biến tích cực. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh này và các huyện, thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp trong công tác PCTT.

thiet-hai-do-thien-tai.jpg
Một trong các điểm được TP. Sông Công chỉ đạo các xã, phường lập biển cảnh báo nguy hiểm, dựng rào chắn tại đập tràn, điểm bị ngập trong mùa mưa

Là địa phương miền núi đặc thù của tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai. Trong đó, sạt lở đất là trong những nguy cơ lớn ảnh hưởng đến tính mạng con người. Để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hoá, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện chia sẻ: Cùng với việc chủ động xây dựng phương án về PCTT-TKCN, huyện còn đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền và cảnh báo về thiên tai; tăng cường phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là tại những khu vực xung yếu, thường xuyên xảy ra mưa lũ, nguy cơ sạt lở cao. Ngoài ra, các xã, thị trấn trên địa bàn huyên cũng đã tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực, địa điểm có nguy cơ cao bị sạt lở đất, đá cao.

Còn đối với Phổ Yên - một trong những địa phương có chiều dài đê lớn của tỉnh (hơn 32km), thành phố luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ các tuyến đê trước mùa mưa lũ. Các ngành chức năng của thành phối và các xã, phường đã tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân nâng cao ý thức bảo vệ đê, kè; xây dựng kế hoạch, tổ chức giải tỏa các hành vi vi phạm. Nhờ đó, đến nay đã chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang đê điều để làm nhà, lều quán, lán, bãi tập kết vật liệu xây dựng.

Ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP. Phổ Yên cho biết: Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, xác định các điểm xung yếu để xây dựng phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm. Hệ thống kè, cống và kho bãi chứa vật tư phục phòng chống lụt bão thường xuyên được duy tu, bảo dưỡng và bổ sung kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành kiểm kê trang thiết bị phòng thủ dân sự, ứng phó với sự cố thiên tai và TKCN; kiểm tra, đánh giá các công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai; việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương….

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thái Nguyên cho biết: Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các địa phương đã quản lý, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ theo quy định, đảm bảo sẵn sàng huy động khi có yêu cầu; công tác chuẩn bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” được triển khai toàn diện, chủ động; các địa phương cũng đã khắc phục, sửa chữa kịp thời những hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn các công trình đê điều và phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai…

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia, tình hình thiên tai từ nay đến cuối năm tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Sự chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai của ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh sẽ góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai, bão lũ bất thường.

Bài liên quan
  • Cao Bằng tăng cường các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai
    Những năm gần đây do biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của nhân dân, hạ tầng cơ sở nông thôn. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thái Nguyên: Giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra