Cao Bằng tăng cường các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai

Hồng Trang|17/05/2024 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Những năm gần đây do biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của nhân dân, hạ tầng cơ sở nông thôn. Để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, kiên quyết.

Do biến đổi khí hậu các tháng đầu năm 2023 khô hạn, ít mưa, lượng nước thiếu hụt từ 50 - 90% so với trung bình nhiều năm, nắng nóng, hạn hán ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt người dân và sản xuất nông nghiệp. Thời kỳ chuyển mùa tháng 3 - 5/2023 xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá xảy ra cục bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ cuối tháng 6 - 9/2023, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có mưa, cục bộ có nơi mưa to, đến rất to. Đặc biệt đợt mưa lớn đầu tháng 8/2023 gây lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất, đá; tháng 10 - 11/2023 xảy ra các đợt mưa lớn, sạt lở đất cục bộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng năm 2023, xảy ra 17 đợt mưa lớn, lốc, sét, ngập úng, lũ, lũ quét, sạt lở đất, đá, tổng thiệt hại trên 179,218 tỷ đồng. Thiên tai làm 3 người chết, 4 người bị thương. 1.517 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 275 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất, trong đó 6 nhà cần phải di dời. 8.947,9 ha hoa màu bị đổ, gãy, vùi lấp do lốc, mưa đá, sạt lở, hạn hán; vùi lấp 7 ha hồi, quế. 2,61 ha cá nuôi bị cuốn trôi và 5.181 kg cá thương phẩm, 10 kg cá giống bị cuốn trôi.

Các tuyến quốc lộ bị sạt lở 11.267 m3 đất, đá taluy dương; sạt lở 226,5 m taluy âm, 40 m hộ lan tôn sóng bị hư hỏng. Các tuyến tỉnh lộ bị sạt lở trên 8.375 m3 đất, đá taluy dương; sạt lở 81 m taluy âm. 136 tuyến đường huyện, đường nông thôn bị sạt lở 47.334 m3 đất, đá taluy dương; sạt lở 278,5 m taluy âm. 14 công trình thủy lợi với 595 m kênh mương bị đổ, gãy. Công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối đang thi công bị sạt lở, cuốn trôi 80 m và 40 rọ đá. 2 cột điện hạ thế bị đổ do sạt lở đất; 100 m dây điện hạ thế bị đứt do cây đổ vào lưới điện. 8 điểm trường bị ảnh hưởng, thiệt hại do tốc mái, sạt lở, lũ quét. 10 nhà văn hóa xóm bị tốc mái, cây đổ.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra 5 đợt dông, lốc kèm mưa đá gần 10.000 nhà và nhiều công trình phụ bị tốc mái, hư hỏng; khoảng 1.500 ha hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng; nhiều công trình hạ tầng cơ sở bị tốc mái, hư hỏng...; tổng thiệt hại hơn 28 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND cấp huyện, xã của tỉnh Cao Bằng tổ chức các đoàn công tác đến khu vực bị thiệt hại nặng để kiểm tra tình hình, chỉ đạo, vận động và hướng dẫn nhân dân, huy động các lực lượng trên địa bàn tổ chức giúp nhân dân sửa chữa nhà ở để ổn định cuộc sống. Người dân chủ động chăm sóc cây trồng bị ảnh hưởng do lốc.

giam-nhe-thiet-hai-thien-tai.jpg
Kè sông Hiến hoàn thành góp phần giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra

UBND tỉnh Cao Bằng đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự (PTDS), phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Chỉ đạo các huyện, Thành phố kiện toàn bộ máy, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy điều hành ứng phó thiên tai tại địa phương, cơ quan, đơn vị... UBND các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ điều hành ứng phó thiên tai. Chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, kỹ năng, nâng cao nhận thức về PCTT; nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT; nâng cao năng lực, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản về PCTT; xây dựng quy hoạch, kế hoạch phương án PCTT; đầu tư hạ tầng cơ sở PCTT...

Cơ quan chỉ huy PCTT&TKCN các cấp được thành lập, củng cố kiện toàn theo quy định, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể của các thành viên gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; năng lực PCTT tại các địa phương được nâng cao, đặc biệt đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cơ quan làm công tác tham mưu PCTT&TKCN; thực hiện tốt tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT; 100% xã có Đội xung kích PCTT hoạt động hiệu quả; thực hiện đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, tổ chức diễn tập rút kinh nghiệm; chủ động dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư, sửa chữa công trình PCTT; thực hiện đảm bảo quy định về quản lý an toàn đập trên địa bàn. Hiện tại, Cao Bằng thành lập, củng cố 161/161 đội xung kích PCTT cấp xã với cơ cấu thành phần đúng quy định.

Ứng phó với hạn hán, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng có văn bản chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng nước, kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với thực trạng nguồn nước bảo đảm cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Khi xảy ra hạn hán, thiếu nước sinh hoạt tại các xã vùng cao huyện Hà Quảng, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với huyện để nắm tình hình, chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, sản xuất vụ đông xuân. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động, khẩn trương phối hợp, tham gia chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện các giải pháp, phương án hỗ trợ nước cho đồng bào các xã vùng cao huyện Hà Quảng.

Ứng phó với lốc, sét, mưa đá, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, Thành phố chủ động theo dõi tình hình thiên tai, chỉ đạo chính quyền cơ sở huy động các lực lượng tại chỗ, vận động nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khắc phục hậu quả, thực hiện các chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai theo quy định. Ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN tỉnh, Văn phòng thường trực ban chỉ huy thực hiện triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo ứng phó thiên tai của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia PCTT.

UBND các cấp vận động các hộ có nhà ở trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét thực hiện di dời được 17 nhà, gồm: Bảo Lâm 10 nhà, Bảo Lạc 4 nhà, Nguyên Bình 2 nhà, Quảng Hòa 1 nhà...

Dự phòng ngân sách địa phương hỗ trợ 38 tỷ 696 triệu đồng khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai. Trong đó, hỗ trợ 47,6 triệu đồng thiệt hại về người, tài sản; hỗ trợ nhân dân 572,2 triệu đồng thiệt hại về nhà ở; hỗ trợ 1 tỷ 595 triệu đồng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ 127 triệu đồng cấp nước sinh hoạt các xã vùng cao huyện Hà Quảng... Quỹ PCTT tỉnh Cao Bằng hỗ trợ 672,3 triệu đồng khắc phục hậu quả thiên tai, hoạt động công tác PCTT. Sử dụng hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương thực hiện đầu tư và giải ngân 29,312 tỷ đồng khắc phục công trình hạ tầng cơ sở bị thiệt hại năm 2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, do nguồn vốn ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên việc bố trí kinh phí cho các công trình PCTT, công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình PCTT chưa kịp thời và chưa đáp ứng được nhu cầu; kinh nghiệm, năng lực, kiến thức về thiên tai của cán bộ làm công tác về PCTT còn hạn chế, thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm nên việc triển khai thực hiện các đề án, dự án còn khó khăn; các cấp địa phương chưa chủ động được nguồn kinh phí để đầu tư trang bị công cụ hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ của lực lượng xung kích PCTT cơ sở, kinh phí để khắc phục thiệt hại và thực hiện hoạt động tập huấn, diễn tập, phổ biến kiến thức về phòng tránh thiên tai.

Bài liên quan
  • Thiệt hại do thiên tai ở Hòa Bình khoảng trên 129 tỷ đồng
    Trong năm 2023, thiên tai tại tỉnh Hòa Bình đã làm 1 người chết do lũ cuốn trôi; thiệt hại 55 nhà ở; 3 điểm trường học, nhiều công trình giao thông, thủy lợi và khoảng 743 ha hoa màu các loại… tổng giá trị thiệt hại ước khoảng trên 129 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Cao Bằng tăng cường các biện pháp giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.