Cách hoạt động của nghề lưới kéo dưới đáy biển gây tổn hại đến đại dương và làm tăng tốc độ biến đổi khí hậu.
Khi Bryce Stewart, một nhà sinh thái biển tại Đại học York, lặn xuống sau những chiếc lưới dày bằng thép có răng của một chiếc tàu nạo vét sò đang ầm ầm hoạt động dưới đáy biển Ireland 22 năm trước, anh đã chứng kiến sự hủy diệt mà anh chưa từng thấy.
Bryce Stewart cho biết: "Một con cua bị đứt ngang thân; nhím biển dập nát; sao biển mất một số cánh sao. Thực sự là dấu vết của những thứ chết chóc dưới đáy biển".
Những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương để đánh bắt cá và hải sản là một trong những cách kiếm ăn có hại nhất trên thế giới. Nó phá hủy các hệ sinh thái và quét sạch các sinh vật biển.
Giờ đây, các nhà khoa học lo sợ một thảm họa môi trường khác đang nổi lên: Biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2021 cho thấy những chiếc tàu đánh cá khuấy đảo 1,3% đáy biển toàn cầu làm lượng carbon dioxide thoát ra nhiều hơn lượng khí thải của toàn ngành hàng không. Hoạt động kéo lưới cào đáy biển sẽ ngăn biển hấp thụ nhiều CO2 từ khí quyển và ngăn cản sự sống của thực vật phát triển. Đáy đại dương chứa gấp đôi lượng CO2 mà lòng đất trên hành tinh chúng ta có thể chứa được. Lượng cnày đang bị sục lên và thoát ra khỏi đại dương khi các tàu đánh cá sử dụng lưới vét đáy biển.
Bryce Stewart cho biết: Đánh bắt các bằng cách kéo lưới rà đáy các đại dương giống như việc đào đi đào lại một khu vườn, khi so sánh những chiếc lưới với một cái cày: "Nếu bạn thường xuyên làm xáo trộn đáy biển, thì về cơ bản bạn phải tiếp tục khởi động lại quá trình lưu trữ carbon ở đó".
Nghiên cứu của Nature cho thấy việc cào đáy biển giải phóng gần 1,5 gigatons CO2 vào nước, một số có thể đi vào bầu khí quyển, khiến hành tinh bị làm nóng.
Nhưng carbon hòa tan ở biển cũng khiến môi trường phải trả giá. Các đại dương, nơi chiếm 25% lượng CO2 trên thế giới, hấp thụ CO2 ít hơn khi nồng độ tăng lên. Juan Mayorga, một nhà khoa học hàng hải tại Đại học California, Santa Barbara, cho biết: “Đáy biển là hồ chứa carbon lớn nhất hành tinh, và chúng ta đang làm phiền nó”.
Những gì các nhà khoa học biết là nghề kéo đáy buộc phải đốt cháy một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng cần thiết cho các tàu kéo lưới nặng trên địa hình gồ ghề lớn hơn so nhiều so với các loại tàu cá khác. Kết quả là, tàu đánh bắt hải sản bằng lưới kéo đáy có lượng khí thải carbon lớn hơn gần ba lần so với cách khác, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Research Letters vào năm 2017.
Một số nhà khoa học biển đã kêu gọi cấm hoàn toàn hoạt động đánh bắt dưới đáy biển. Những người khác cho rằng việc loại bỏ hoạt động này từ từ cũng là đủ, trước tiên bắt đầu bằng lệnh cấm đánh lưới trong các khu bảo tồn biển trước khi mở rộng nó để bao phủ phần còn lại của đại dương.
Nicolas Fourier, giám đốc chiến dịch của nhóm bảo tồn Oceana, cho biết ở châu Âu, hoạt động đánh bắt đáy phổ biến đến mức rất khó để yêu cầu một lệnh cấm triệt để. Ông nói: “Chúng tôi đang yêu cầu loại bỏ dần loại ngư cụ này. Nó không tương thích với bất kỳ cam kết nào về khí hậu hoặc đa dạng sinh học của chúng tôi".
Người tiêu dùng có thể đóng một vai trò nào đó bằng cách ăn ít cá hơn và kiểm tra nhãn mác để xem liệu cá họ mua có bị đánh bắt bằng lưới kéo đáy hay không. Trong ngắn hạn, ngành công nghiệp đánh bắt cá có thể hỗ trợ bằng cách chuyển sang dùng loại lưới nhẹ hơn và loại không chạm sàn đáy biển.