Tài nguyên và phát triển

Nghiên cứu mới: Có thể sử dụng thiên nhiên để “che giấu” lượng phát thải thực tế

Thanh Thanh 26/11/2024 18:30

Theo Nghiên cứu từ Đại học Oxford công bố mới đây trên tạp chí Nature, các quốc gia có thể tận dụng bể chứa carbon tự nhiên, như các hệ sinh thái rừng hay đất ngập nước, để khiến mục tiêu phát thải ròng bằng không trở nên thực tế hơn.

Theo đó, hàng năm, các bể chứa tự nhiên như đại dương, rừng và đất, hấp thụ khoảng một nửa lượng khí thải carbon toàn cầu, góp phần quan trọng vào mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2°C theo Thỏa thuận Paris.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng việc đưa lượng carbon tự nhiên được hấp thụ từ những vùng "đất được quản lý" như rừng Amazon hay rừng taiga vào mục tiêu phát thải có thể tạo ra những tính toán sai lệch. Trong đó, một số quốc gia có thể nhận được lợi ích từ thiên nhiên mà vẫn tiếp tục gây ra phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

capture(8).png
Ảnh minh họa

Giáo sư Myles Allen của Đại học Oxford nhấn mạnh: "Chúng ta phải bảo vệ các bể chứa carbon tự nhiên để chúng giúp loại bỏ lượng carbon đã phát thải trong lịch sử. Tuy nhiên, không thể sử dụng chúng để bù đắp cho việc tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không thực sự, chúng ta cần loại bỏ hoàn toàn carbon từ nhiên liệu hóa thạch và lưu trữ chúng vĩnh viễn."

Nghiên cứu cũng cảnh báo rằng, các chính phủ có thể cố đưa lượng carbon hấp thụ từ biển hoặc các bể chứa tự nhiên khác vào mục tiêu của mình, dù thực tế không có hành động cụ thể nào để giảm phát thải.

Phân tích của tổ chức nghiên cứu Zero Carbon Analytics chỉ ra vai trò của thiên nhiên trong các đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là một “điểm mù” đáng kể đối với các chính phủ, có thể khiến họ trông như đang gần đạt được mức phát thải ròng bằng không hơn thực tế.

Một cuộc khảo sát về sự khác biệt giữa cách tính các bể chứa carbon tự nhiên trong các mô hình và NDC cho thấy, ngân sách của thế giới trong việc thực hiện mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C có thể giảm từ 15% đến 18% so với dự đoán. Các chính phủ đang đề ra nhiều kế hoạch sử dụng đất để hấp thụ carbon dioxide, như trồng rừng. Tuy nhiên, các nhà khoa học đánh giá những kế hoạch này thường không thực tế.

Việc sử dụng đất như một nguồn giảm phát thải trong các cam kết khí hậu quốc gia sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn trong cách tính toán lượng carbon. Nếu chỉ dựa vào việc này, các quốc gia sẽ bỏ qua việc tính toán lượng khí thải lớn đến từ cháy rừng và các hiện tượng tự nhiên trong rừng, khiến tiến trình đạt được các mục tiêu khí hậu bị lệch hướng.

Theo bà Joanne Bentley, người đứng đầu phân tích tại Zero Carbon Analytics, “Các kế hoạch khí hậu quốc gia dù nghe có vẻ ấn tượng nhưng không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác tiến độ thực tế.” “Điều này sẽ trở thành vấn đề khi các chính phủ quá phụ thuộc vào rừng để hấp thụ khí thải thay vì thực hiện những thay đổi quy mô lớn và ngay lập tức đối với các ngành công nghiệp để giảm phát thải.’’, bà nói thêm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nghiên cứu mới: Có thể sử dụng thiên nhiên để “che giấu” lượng phát thải thực tế
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.