Nghiên cứu về “siêu xoáy nước” ở Nam Cực đưa ra cảnh báo đáng lo ngại cho nhân loại

Thanh Thanh|04/04/2024 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Một dòng nước biển khổng lồ bao quanh Nam Cực với thể tích xoáy lớn gấp 100 lần tất cả các con sông trên thế giới cộng lại, đang ngày càng chảy nhanh hơn do biến đổi khí hậu, có khả năng gây ảnh hưởng tới số phận nhân loại.

Theo tờ DailyMail, một nghiên cứu mới về phân tích và đối chiếu hoạt động của vòng xoáy đại dương Nam Cực trong 5,3 triệu năm qua đã cho ra kết quả, có một dòng nước biển khổng lồ đang bao quanh Nam Cực với thể tích xoáy lớn gấp 100 lần tất cả các con sông trên thế giới cộng lại. 

Tiến sĩ Gisela Winckler, làm việc tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty ở Columbia, đồng tác giả của nghiên cứu đưa ra nhận định: "Đây là dòng chảy mạnh nhất và nhanh nhất trên hành tinh, được cho là dòng chảy quan trọng nhất của hệ thống khí hậu Trái đất".

Nghiên cứu đã sử dụng lõi trầm tích lấy từ các vùng nước xa nhất và gồ ghề nhất trên Trái đất để phân tích.

Vòng xoáy đại dương hay còn được gọi là dòng hải lưu Nam Cực (ACC) này hoạt động chậm lại trong những khoảng thời gian lạnh hơn, ví dụ như vào bất kỳ kỷ băng hà nào. Giờ đây, khi thời tiết ấm lên, nó bắt đầu tăng tốc, cũng giống như loài người đang phải hứng chịu những ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu. 

sieu-xoay-nuoc-moitruongnet.png
Một dòng nước biển khổng lồ đang bao quanh Nam Cực với thể tích xoáy lớn gấp 100 lần tất cả các con sông trên thế giới cộng lại, có khả năng gây ảnh hưởng tới số phận nhân loại

Về nguyên nhân xuất hiện vòng xoáy này, các nhà khoa học cho biết, có thể là do biến đổi khí hậu. 

Tiến sĩ Gisela Winckler đã gọi những phát hiện mới là "một kịch bản". Bà cho rằng, ngày nay loài người đang quan sát tình trạng nóng lên toàn cầu thông qua những diễn biến bất thường trên trái đất, từ những khu vực gần nhất đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất. 

Do ảnh hưởng của gió tây, dòng hải lưu Nam Cực xoay theo chiều kim đồng hồ quanh Nam Cực với tốc độ trung bình 4km/h, mang theo khoảng 169 triệu mét khối nước mỗi giây. “Siêu xoáy nước” này sâu đến tận đáy đại dương và trải dài 2.000km theo chiều ngang.

Người ta cũng tin rằng dòng xoáy này xuất hiện từ khi Nam Cực tách khỏi Úc cách đây 34 triệu năm, lúc các mảng kiến tạo của Trái đất dịch chuyển rất nhiều. Nhưng trên thực tế, xu hướng hoạt động hiện tại của vòng xoáy chỉ bắt đầu khoảng 12-14 triệu năm trước.

Bàn về những ảnh hưởng, các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ) bày tỏ lo ngại về tốc độ ngày càng tăng của vòng xoáy đang góp phần làm tăng mực nước biển toàn cầu, trong khi băng ở Nam Cực tiếp tục tan chảy.

Băng biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng năng lượng của trái đất, đồng thời giúp giữ cho các vùng cực mát mẻ nhờ khả năng phản chiếu nhiều ánh sáng mặt trời hơn vào không gian. Bên cạnh đó, tác động của nước biển dâng cao mặc dù không trực tiếp tạo ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán hay lũ lụt nhưng chỉ cần đại dương tăng thêm vài centimet đã góp phần làm mưa, bão khốc liệt, khó đoán và để lại thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều.

Vì vậy, nghiên cứu cho thấy có vẻ như Nam Cực đang gặp rắc rối lớn với “siêu xoáy nước” này. Tiến sĩ Gisela Winckler cũng cho biết thêm, những phát hiện mới này đã liên kết băng ở Nam Cực với tốc độ dòng chảy của dòng hải lưu Nam Cực bằng phương pháp toán học. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu về “siêu xoáy nước” ở Nam Cực đưa ra cảnh báo đáng lo ngại cho nhân loại