Ngư dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hành động cùng chung tay vừa đánh bắt hải sản, vừa thu gom rác thải trên biển, nhằm, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển.
Tranh thủ chuyển các bao đựng vỏ chai nhựa từ nóc cabin của tàu xuống cảng ngay khi tàu vừa cập cảng cá Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), ngư dân Trương Quang Thiên, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) vui mừng bảo, sau gần 1 tháng đi biển, tàu của tôi gom được gần 700 vỏ chai nhựa. "Số vỏ chai này một phần là từ các chai nước giải khát do anh em trên tàu mang theo, một phần là những vỏ chai trôi nổi trên biển được chúng tôi vớt lên", ông Thiên nói.
Đóng tàu công suất lớn để đánh bắt ở vùng biển xa bờ được 8 năm, ông Thiên vừa đánh bắt hải sản, vừa thu gom rác thải trên biển, đưa rác từ biển về bờ. Mỗi khi vươn khơi, ông Thiên đều chuẩn bị sẵn các túi đựng rác với kích thước lớn, chứa từ 100 - 200 vỏ chai nhựa. Vật liệu làm túi đựng rác thải được ông Thiện tận dụng từ lưới đánh cá đã hỏng, nên không làm phát sinh thêm chi phí.
Ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc bảo vệ môi trường biển, 2 ngư dân Nguyễn Quang và Võ Nhị, cùng ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cũng học tập ông Thiên trong thực hiện mô hình gom rác từ biển về bờ. “Mỗi chuyến vươn khơi kéo dài cả tháng, chúng tôi chuẩn bị nhiều thức ăn đóng gói, nước uống đóng chai. Trước đây, sau khi sử dụng, mọi người có thói quen vứt bao bì, chai, lon xuống biển. Về sau, khi xem báo, nghe đài, thấy vỏ chai nhựa, bao nilon, lưới đánh cá bị hỏng trôi trên biển, quấn vào rùa biển, cá voi, cá heo... tôi nhận ra mình cần có trách nhiệm hơn với môi trường. Tôi đặt các bao đựng rác trên tàu và nói anh em ngư dân cùng phân loại, gom rác bỏ vào bao và đưa rác về bờ”, ngư dân Võ Nhị chia sẻ.
Gần 1 năm qua, ngoài ngư lưới cụ, chủ tàu Võ Xuân Cẩm, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) còn mang theo một thùng rác lớn và xem đây là một vật dụng không thể thiếu trong mỗi chuyến vươn khơi. Ông Võ Xuân Cẩm cho biết, sau khi xem tin tức trên báo chí, thấy các ngư dân ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Quảng Nam bảo vệ môi trường từ việc làm đơn giản là mang theo thùng rác để thu gom, phân loại rác thải, nên tôi học hỏi, áp dụng khi đánh bắt trên biển. “Tàu tôi chuyên đánh bắt gần bờ, buổi chiều vươn khơi và sáng đã cập bờ nên rác thải sinh hoạt không nhiều. Tuy nhiên, vỏ gói mì tôm, vỏ chai nước ngọt... đều là rác thải khó phân hủy, gây ảnh hưởng đến các rạn san hô và hệ sinh thái biển. Vậy nên, tôi nghĩ mình phải dừng việc xả rác xuống biển và thu gom rác hàng ngày, để bảo vệ môi trường biển cho con cháu sau này”, ông Cẩm cho biết thêm.
Ngư dân Võ Xuân Cẩm hiện là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang. Ông Cẩm không chỉ thực hiện việc phân loại, đưa rác thải từ biển về bờ mà còn tham gia vận động, tuyên truyền đến các thuyền viên, chủ tàu khác cùng chung sức bảo vệ môi trường biển. “Tôi vừa đề xuất thực hiện mô hình “Mỗi chiếc tàu - một thùng rác” tại cuộc họp có các ngư dân cùng chính quyền địa phương và nhận được sự thống nhất cao. Thời gian đến, nghiệp đoàn sẽ đồng hành cùng chính quyền địa phương trong tuyên truyền ngư dân thực hiện để bảo vệ môi trường biển”, ông Cẩm thông tin.
Thời gian qua, Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân về mô hình thu gom, đưa rác thải từ biển về bờ. “Nghiệp đoàn nhiều lần tuyên truyền đến ngư dân về lợi ích của việc gom rác thải từ biển về bờ. Mục tiêu phấn đấu của nghiệp đoàn là, mô hình không chỉ dừng lại ở các ngư dân Trương Quang Thiên, Nguyễn Quang, Võ Nhị, mà hơn 1.000 đoàn viên của nghiệp đoàn sẽ cùng thực hiện mô hình thu gom rác thải đưa về bờ, để môi trường biển ngày càng sạch hơn. Để làm được điều này đòi hỏi chính mỗi ngư dân phải thấy được tác hại của việc xả rác thải đối với môi trường biển và phải thay đổi thói quen này”, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu Bùi Hồng Vân cho biết.