Nguyên nhân chậm tiến độ công trình giao thông

Minh Anh (t/h)|09/01/2020 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ ra không ít tồn tại, hạn chế khiến các dự án lớn chậm triển khai, hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Chậm giải phóng mặt bằng là điểm nghẽn ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện các dự án lớn như: Dự án Pháp Vân – Cầu Giẽ, Dự án Hầm Hải Vân 2; Dự án Bến Lức – Long Thành; Dự án Trung Lương – Mỹ Thuận… Một số dự án khi có mặt bằng thì vào mùa mưa, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng và kế hoạch giải ngân; nhiều dự án sát cuối năm 2019 mới hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công nên chậm triển khai thực hiện theo cam kết, kéo dài thời gian hoàn thành sang đầu năm 2020.

Vướng mắc, chậm kéo dài trong công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển hạ tầng kỹ thuật ngầm, nổi, cây xanh, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng các ga ngầm… cũng là các yếu tố dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, ảnh hưởng đến yếu tố trượt giá tăng.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc tiến độ dự án kéo dài đã dẫn đến tổng mức đầu tư tăng do các yếu tố biến động giá của một số nguyên, nhiên vật liệu và tăng mức lương tối thiểu theo quy định; các dự án đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư và hình thành các yếu tố quan trọng quốc gia cần điều chỉnh lại thủ tục từ chủ trương đầu tư… theo quy định của Luật Đầu tư công.

Bộ GTVT cũng cho rằng kế hoạch vốn ODA hàng năm không được bố trí đủ làm chậm trễ thanh toán cho các nhà thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến độ thi công của các dự án bị ảnh hưởng, vướng mắc về cơ chế đấu thầu, hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn còn bất cập… Tiến độ giải ngân chậm là một nguyên nhân dẫn đến chậm triển khai và hoàn thành công trình giao thông. Công tác giải ngân chậm có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần được rà soát, khắc phục triệt để trong thời gian tới nhằm đảm bảo tiến độ công trình thực hiện theo đúng kế hoạch.

Để khắc phục các tồn tại này, trong năm 2020, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đôn đốc đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án GTVT, đặc biệt là các công trình trọng điểm của ngành; đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư dự án; tập trung chỉ đạo bám sát tiến độ thực hiện các công trình/dự án; kiểm soát tốt hệ thống quản lý chất lượng tại từng dự án; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm về chất lượng công trình.

Về mặt thể chế, Bộ sẽ xây dựng kịp thời các văn bản chỉ đạo điều hành; tập trung nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án, đặc biệt là ban quản lý dự án; tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, bãi bỏ một số quy định, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Riêng đối với Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, mặc dù Dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng do các vướng mắc liên quan đến hoàn thiện chứng nhận an toàn khai thác hệ thống, đảm bảo điều kiện để bàn giao đưa vào khai thác của Tổng thầu nên công tác vận hành thương mại bị chậm trễ.

Minh Anh (t/h)

Bài liên quan
  • Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ em như nào?
    Moitruong.net.vn – Sốt phát ban là một bệnh tưởng chừng rất dễ điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu chăm sóc không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho trẻ. .

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyên nhân chậm tiến độ công trình giao thông