Với 17 năm trong nghề, 13 năm công tác tại báo Tiền Phong, nhà báo Trọng Đảng – phóng viên phụ trách lĩnh vực giao thông đô thị đã có nhiều chuyến đi, những trải nghiệm thực tế và vốn sống phong phú vun đắp thêm tình yêu với nghề để đem đến cho độc giả cả nước những tác phẩm báo chí có chiều sâu, thực sự giá trị và nhân văn.
Hành trình đưa cái xấu ra “ánh sáng” vì cuộc sống tươi đẹp hơn
Giữa khối bài viết, các tác phẩm báo chí đã ra đời, với nhà báo Trọng Đảng có lẽ tuyến bài điều tra Ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà để lại nhiều cảm xúc. Nhà báo Trọng Đảng nhớ lại: Từ thông tin người dân Hà Nội phản ánh tới báo Tiền Phong, tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm không rõ nguyên nhân, không ai dám sử dụng nước cho sinh hoạt và sau đó bị cắt nước. Chúng tôi đã đăng ký với tòa soạn lên khu vực đầu nguồn chính là nhà máy nước sạch sông Đà, tỉnh Hòa Bình ghi nhận hiện trạng. Qua tìm hiểu, nhóm chúng tôi thấy ô nhiễm do có tình trạng đổ trộm phế thải dạng dầu ra phía gần hồ Hòa Bình, nơi cung cấp nước cho nhà máy sông Đà. Đồng thời, nhóm cũng phát hiện thêm thông tin nguồn chất thải từ một số xe tải ở Hải Dương vận chuyển lên đó xả thải trộm. Sau đó công an, UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình vào cuộc, khởi tố vụ án và khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
Giữa Thủ đô mà nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của hàng triệu người dân là điều đáng lo ngại. Liên tục trong nửa tháng với tuyến bài dài kỳ của nhóm phóng viên chúng tôi cùng sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, cuối cùng đối tượng xả thải trái phép gây ô nhiễm nguồn nước cũng bị khởi tố, đồng thời khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm nguồn nước giúp hàng triệu người dân phía Tây Hà Nội đã có nước sạch, nước hợp vệ sinh để dùng. Đó là điều mà chúng tôi cảm thấy tự hào nhất sau chuyến tác nghiệp này, nhà báo Trọng Đảng chia sẻ thêm.
Tuy là thể loại báo chí điều tra nhưng trước yêu cầu cấp bách của sự việc, cần thông tin giúp các cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước cho người dân nên tuyến bài được thực hiện rất nhanh. Khác hẳn với những quy trình làm các bài điều tra trước đó, không đề cương hay kế hoạch chi tiết, chưa tìm hiểu đối tượng hay địa bàn nơi xảy ra vụ việc mà từ thông tin thời sự do bạn đọc phản ánh, vừa ghi nhận thực tế nhóm từng bước tháo gỡ vấn đề. “Dù trong rừng, hay trên xe, nhóm chúng tôi cũng miệt mài sản xuất bài để gửi về tòa soạn cho kịp tính thời sự của vụ việc, mong sao người dân sớm có nước sạch để dùng”, nhà báo Trọng Đảng kể.
Nhà báo Trọng Đảng vui vẻ chia sẻ: “Một niềm vui và động viên lớn và cũng là động lực cho nhóm chúng tôi là báo Tiền Phong đã gửi tuyến bài “Sự cố ô nhiễm nước sạch sông Đà” dự thi và nhóm phóng viên chúng tôi đã nhận giải C – Giải Báo chí quốc gia năm 2020 cho loạt bài này”.
Chia sẻ về kỹ năng nghiệp vụ làm báo, nhà báo Trọng Đảng trải lòng: Những nhà báo, phóng viên mảng điều tra thường phải đối mặt với những nguy hiểm như các đối tượng giấu mặt, đơn vị sai phạm đe dọa trực tiếp, qua tin nhắn hay cuộc gọi điện thoại, cản trở tác nghiệp, không cho tiếp cận nguồn tin, nhân vật. Nhưng bằng trách nhiệm nghề nghiệp, hơn nữa với suy nghĩ mình làm công việc chính đáng, có ích cho cộng đồng nên không có gì phải sợ, càng khó khăn, hiểm nguy thì càng muốn đưa những khuất tất, sai phạm ra ánh sáng, mọi sự việc cần phải được làm sáng tỏ. Để đảm bảo an toàn, mỗi vụ việc thường có các ekip làm cùng nhau, trong suốt quá trình tác nghiệp. Đồng thời, thông tin phải đảm bảo tính đúng đắn, xác thực. Trước khi chuyển thông tin đến các cơ quan có thẩm quyền, thông tin phải được xác minh kỹ càng, tránh sai lệch sự thật và được xác thực từ nhiều phía, điều này nhằm tránh kiện tụng về sau. Với những thông tin không thể công khai cần dẫn các số liệu cụ thể, có sự tin cậy nhằm hạn chế việc bị đe dọa.
Trái ngọt sẽ là phần thưởng xứng đáng cho những người biết
nỗ lực và lao động quên mình. Bên cạnh giải C - Giải báo chí quốc gia năm 2020, nhà báo Trọng Đảng còn được nhận nhiều giấy khen của báo Tiền Phong như giải tuyến bài hay, giải bài có nhiều bạn đọc hàng tháng/quý. Năm 1999, loạt bài điều tra những xe tải đi vào phố cấm của nhà báo Trọng Đảng nhận giải khuyến khích của Hội Nhà báo.
Thay đổi để thích nghi
“Một vấn đề đặt ra cho nhiều nhà báo hiện nay khi nền báo chí đang chuyển mình bắt kịp xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. Với những thế hệ người làm báo đi trước như chúng tôi khi báo in thịnh hành, để hòa mình thích nghi với nền báo chí hiện đại là điều không hề dễ. Người làm báo cần trau dồi, đổi mới và hoàn thiện mình để đáp ứng được quy trình tác nghiệp nhanh, chính xác của nền báo chí đa phương tiện, công nghệ làm báo hiện đại” - Nhà báo Trọng Đảng nói.
Minh chứng cho điều này, nhà báo Trọng Đảng ví dụ: Nếu như trước đây phóng viên cứ sáng đi tác nghiệp, đến chiều tin bài mới xử lý, nộp tòa soạn. Thì giờ đây, để đảm bảo tính thời sự của sự việc, phóng viên thường tác nghiệp ngay tại sự kiện. Vì vậy mà tin bài được xuất bản khi sự kiện vẫn đang diễn ra. Nếu người làm báo không thích nghi được, thông tin sẽ thành “cơm nguội, vấn đề cũ và lạc hậu. Điều này đòi hỏi, mỗi người làm báo phải tự học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng, công nghệ, nghiệp vụ, kỹ thuật làm báo hiện đại, tiếp cận mạng xã hội nhạy bén và chọn lọc. Mỗi phóng viên, nhà báo cũng cần trang bị cho mình máy tính cá nhân, phương tiện tác nghiệp hiện đại… giúp bản thân chủ động trong việc sản xuất tin bài và cập nhật bài viết lên hệ thống CMS. Người làm báo phải luôn vận động, đổi mới, sáng tạo và linh hoạt trong công việc.
Việc tiếp cận và làm báo trước đây từ sách vở, giáo trình, thầy cô giảng dạy trong nhà trường. Tuy nhiên, với các thế hệ người trẻ bây giờ có nhiều cách để tiếp cận thêm, va chạm với nghề, ngoài kiến thức trong trường học, không gian mạng, các chương trình công việc ở thực tiễn đã giúp thế hệ trẻ đến với nghề khá nhanh. Nhưng điều này cũng chưa hẳn đã là hiệu quả nếu không biết chọn lọc thông tin, tiếp nhận nguồn tin không chính thống từ mạng xã hội. Các bạn trẻ nên coi mạng xã hội như một kênh thông tin và để có thông tin chính xác cần kiểm chứng thông tin rõ ràng, tiếp cận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như thông tin từ cơ quan chức năng, hiện trường, thông tin từ độc giả phản ánh, người trong cuộc… để có những tác phẩm báo chí chân thực, giá trị, chiều sâu và nhân văn.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc nhà báo luôn vững đôi chân, sắc ngòi bút, ngày càng có thêm nhiều tác phẩm báo chí hay hơn nữa!