Nhà báo Văn Thắng: Nghề báo, nghề đặc thù không chỉ có hào quang

Hoàng Bằng|20/06/2023 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nghề báo là nghề đặc thù không chỉ có hào quang mà hơn hết còn rất nguy hiểm và đầy cám dỗ. Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Văn Thắng - công tác tại báo Lao động để hiểu hơn công việc của những người làm báo hiện đại trong thời kỳ chuyển đổi số và phẩm chất nào cần có ở người làm báo chân chính.

Để theo đuổi được ước mơ làm nghề báo, nhiều phóng viên, nhà báo đã không ngại khó khăn, gian khổ, xông pha trong mỗi lần tác nghiệp, sản xuất ra nhiều tác phẩm báo chí đầy tâm huyết, trở thành những cây bút quen thuộc của độc giả.

Đằng sau những ánh hào quang mà nghề báo chiếu toả, có mấy ai thấu hiểu được bao nỗi vất vả, gian nan thậm chí là nguy hiểm mà chỉ có ai đã từng trải qua mới thấu hiểu hết. Bước vào nghề báo, đặc biệt là các bạn trẻ không chỉ đơn thuần vấp phải khó khăn về mặt chuyên môn, nghiệp vụ mà còn rất nhiều những sự việc “không tên” khác.

Là một phóng viên – nhà báo trẻ, với gần 10 năm trong nghề, công tác tại báo Lao động, nhà báo Văn Thắng – phóng viên phụ trách Trung tâm Đa phương tiện, lĩnh vực đa dạng với những đề tài phong phú, hấp dẫn đã đem đến cho độc giả những tác phẩm báo chí chất lượng, có chiều sâu mang giá trị và nhân văn cao.

nha-bao-van-thang-3-.jpg
Nhà báo Văn Thắng tác nghiệp, đưa tin về mưa lũ tại Yên Bái, tháng 10/2017

Hành trình “gian nan, vất vả” của người làm báo

Là người trẻ nhưng nhà báo Văn Thắng đã không ngại thử sức mình với nhiều lĩnh vực khác nhau và giành được giải báo chí quốc gia như: Xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, đại đoàn kết dân tộc và giáo dục.

Theo nhà báo Văn Thắng, qua mỗi tác phẩm của mình, anh muốn truyền tải những thông điệp nhân văn, tích cực đến độc giả. Tuyên truyền về những việc làm, nhân vật/tấm gương người tốt, việc tốt, truyền cảm hứng tích cực đến xã hội. Ngoài ra đóng góp chung vào phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Nhà báo Văn Thắng dẫn chứng, loạt bài Đi về phía tâm dịch Bắc - Trung - Nam cùng chung chí hướng, là loạt bài tôi cùng với các đồng nghiệp đoạt giải báo chí về sự nghiệp giáo dục và đại đoàn kết dân tộc. Loạt bài được xây dựng công phu nhằm phản ánh tinh thần đoàn kết dân tộc, tương thân tương ái trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra vô cùng căng thẳng trên cả nước. Qua tác phẩm của mình tôi, cùng các đồng nghiệp muốn truyền tải một thông điệp rằng, tinh thần đoàn kết dân tộc luôn hiện hữu trong mỗi người dân Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Dù trong hoàn cảnh dịch bệnh đáng sợ nhưng mỗi người dân Việt Nam, dù lớn dù bé vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau. Đoàn kết sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách của thời đại.

Thường các loạt bài chúng tôi sẽ đầu tư thời gian khoảng 2 tuần đến một tháng. Việc thực hiện cần thời gian nhất là việc thu thập dữ liệu, tư liệu để viết bài. Thông thường chúng tôi có thể lấy từ những tư liệu của nhân vật và có thể đi ghi nhận những nhân vật liên quan nếu có điều kiện. Mỗi người sẽ là những câu chuyện nên khó khăn nhất là phải ghép nối làm sao để tạo ra một bức tranh tổng thể có nội dung hợp lý và có chiều sâu, giúp cho người đọc có thể hiểu được một cách dễ dàng. Sau khi thu thập đủ tư liệu chúng tôi sẽ hệ thống lại và sắp xếp phân loại theo những chủ đề, nội dung cụ thể, ghép nối sao cho các phần ăn khớp với nhau.

Đây cũng là phần khá khó khăn khi mỗi nhân vật, tập thể trong bài viết đều có nhiều câu chuyện rất hay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải đảm bảo nội dung của bài viết không quá dài đối với bạn đọc. Vì thế chúng tôi phải cân nhắc lựa chọn lấy phần nội dung nào hay bỏ phần nội dung nào, để cân đối trong bố cục tổng thể chung của bài viết, nhà báo trẻ chia sẻ.

Bên cạnh phần nội dung, để tác phẩm báo chí thêm sinh động, ghi dấu ấn sâu đậm trong tâm trí bạn đọc, nhà báo Văn Thắng cũng chia sẻ về kỹ thuật xử lý tư liệu hình ảnh được thu thập cũng là một khó khăn khi không cùng chất lượng và màu sắc. Bố cục cũng không phù hợp do nhiều tư liệu do nhân vật tự chụp, ghi hình. Do đó nhiệm vụ của bộ phận thiết kế cũng khá nặng nề khi phải chỉnh sửa sao cho hợp lý và phù hợp với tinh thần tone màu chủ đạo của cả loạt bài.

nha-bao-van-thang-2-.jpg
Nhà báo Văn Thắng nhận giải B – Giải báo chí 'Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc' lần thứ XV, năm 2021-2022

Đến những “trái ngọt”

Cũng có gần 10 năm làm báo, tôi đã tham gia nhiều chuyến tác nghiệp. Tuy nhiên chuyến tác nghiệp tội ấn tượng nhất là chuyến tác nghệp: Đưa tin sự kiện tiếp đón Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng. Đây là sự kiện quốc tế thu hút nhiều phóng viên từ các quốc gia trên thế giới nên tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ các đồng nghiệp quốc tế trong quá trình đưa tin. Ngoài ra, tháng 10 năm 2017 mưa lớn gây lũ quét và lụt lội nghiêm trọng ở Yên Bái. Nhận được tin báo, tôi cùng một phóng viên được cử đi tác nghiệp tại vùng lũ. Tại điểm nóng nơi lũ quét đi qua, tôi đã chứng kiến được sự tàn khốc của thiên nhiên, những mái trường, lớp học chỉ còn là đống đổ nát. Ở các chuyến tác nghiệp đó, tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của người dân địa phương. Nếu không có họ thì tôi khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ mà cơ quan giao phó, nhà báo Văn Thắng nhớ lại.

Trong gần một thập kỷ làm báo của mình – nhà báo trẻ Văn Thắng, cùng những cộng sự của mình đã giành được nhiều giải báo chí quốc gia cao quý như: Giải Nhất - Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục” với tác phẩm “Đi về phía tâm dịch” năm 2021, Giải Nhất – Giải Báo chí về công tác đoàn với tác phẩm “ Từ cây ATM cứu đói đến nhân bản yêu thương, cũng trong năm 2021, anh đã đoạt giải khuyến khích – Giải báo chí toàn quốc phòng chống, chống tham nhũng, tiêu cực, Giải khuyến khích – Giải Báo chí quốc gia về Xây dựng Đảng với Loạt bài; Bầu trực tiếp Bí thư Đại hội: Mở rộng dân chủ trong Đảng, khẳng định uy tín nhân sự được lựa chọn. Năm 2022, anh tiếp tục đoạt giải B – Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” lần thứ XV năm 2021 – 2022, Giải Nhì –giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2022.

Trong thời kỳ chuyển đổi số điều quan trọng cần có ở một người làm báo hiện đại là dám dấn thân và luôn luôn thay đổi, làm mới mình. Nhu cầu và trình độ của độc giả ngày một cao, vì thế người làm báo phải luôn tự học hỏi, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của mình. Luôn sẵn sàng dấn thân vào những sự việc nóng của đời sống xã hội, khi đó nhà báo mới phát huy được sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong xã hội. Qua đó cũng sẽ phát hiện, truyền tải được nhiều tuyến bài có chất lượng đến với độc giả. Nhà báo phải luôn làm mới mình, phải luôn thay đổi từ cách đưa tin, viết bài, kể chuyện để phù hợp với thời đại mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của độc giả, từ đó tạo được những dấu ấn riêng của mình trong nền báo chí cách mạng hiện nay của nước ta. Những nhà báo hiện đại, cần biết chụp ảnh, quay và dựng clip để tác phẩm báo chí hấp dẫn, đáp ứng với xu hướng báo chí đa phương tiện. Từ đó, tác phẩm báo chí có chiều sâu và thuyết phục hơn. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà báo Văn Thắng: Nghề báo, nghề đặc thù không chỉ có hào quang