Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Con ong chăm chỉ “hút mật” cho đời “nở hoa”

Hà Anh|20/06/2020 07:05
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trước khi gặp nhà báo Võ Mạnh Hùng, tôi đã được nghe đồng nghiệp kể nhiều về anh – một nhà báo đa tài và là cái tên khá quen thuộc trên thảm đỏ Giải BCQG và Giải Báo chí các bộ, ngành. Với anh, chất phóng viên đã ăn sâu vào con người vì thế anh luôn nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện bản thân và khẳng định năng lực, vị trí của mình với một tinh thần trách nhiệm cao.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng – Báo điện tử Vietnamplus (Thông tấn xã Việt Nam)

Khuôn mặt điển trai, một phong thái điềm đạm và ánh mắt sáng ngời cùng giọng nói ấm áp là những ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà báo Võ Mạnh Hùng. Anh hiện đang công tác tại Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam).

Mỗi tác phẩm là một “mâm” thông tin

Trò chuyện với anh bên ly trà ấm, tôi đề cập về cơ duyên khi đến với nghề. Anh nói: “Tôi đến với nghề không biết có thể gọi là duyên hay không. Bởi lẽ, thời đi học tôi xác định là theo khối ngành về thiết kế, hội họa. Tuy nhiên, đến năm lớp 11, khi được cô giáo định hướng và khuyên chuyển sang theo khối xã hội, cô cho rằng tôi có năng khiếu về khối ngành đó. Khi quyết định theo nghề báo thì tôi không nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, theo bố mẹ, nghề báo là nghề nguy hiểm. Thế nhưng với sự nỗ lực, tôi đã trúng tuyển vào trường báo. Và cơ duyên với nghề viết của tôi đến từ đó”.

Nhâm nhi chén trà, anh bồi hồi kể lại những ngày đầu được tham gia viết báo. Anh kể: “Ngay từ năm thứ 2 đại học tôi bắt đầu tham gia cộng tác với một số cơ quan báo chí ở Trung ương. Ban đầu, chỉ có suy nghĩ đơn giản là viết làm sao để tác phẩm của mình có thể được đăng tải thôi. Thế nhưng bài đầu tiên không những thấy tên mình được in trên mặt báo mà còn có tiền nhuận bút, tôi vui lắm. Cứ thế, 1 bài rồi 2 bài, tôi lại càng có thêm động lực để viết. Sau 4 năm đại học, hàng loạt tác phẩm báo chí được ra đời với các mảng đề tài khác nhau trong đó có mảng đề tài về môi trường”.

>>>Xem thêm: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cho báo chí nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức

Khi ra trường, năm 2012, anh được giới thiệu vào công tác tại Tòa soạn Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam). Bằng tình yêu và niềm đam mê của tuổi trẻ cùng môi trường làm việc năng động với những vị “thủ lĩnh” luôn sáng tạo và sâu sát trong công việc, nhà báo Võ Mạnh Hùng dần thêm “lớn” và sớm hái được “quả ngọt” từ nghề.

Theo anh, để có được những bài viết chất lượng, nhà báo cũng cần tinh tế như người đầu bếp. Anh nói: “Tôi luôn xác định mỗi bài viết, tác phẩm báo chí không chỉ là “đứa con tinh thần” cần trau chuốt để người đọc dễ đón nhận bằng mắt, cảm nhận bằng tâm trí, mà còn là một “món ăn” mà mình muốn ngon thì phải dày công chuẩn bị và biết cách chế biến. Tất nhiên, một món ăn nếu dùng mãi cũng sẽ chán. Vậy nên, cần sáng tạo trong cách chế biến và vận động sáng tạo. Đồng thời xác định mỗi bài viết là một “mâm” thông tin để độc giả khám phá, chứ không phải mẩu tin câu view để lôi kéo độc giả theo ý đồ của mình”.

Hãy điều tra bằng cái đầu lạnh

Đến nay, sau 8 năm công tác tại Báo điện tử VietnamPlus, quãng thời gian không hẳn là dài song cũng không hề ngắn để nhà báo Võ Mạnh Hùng tự tin “cháy” với nghề và cống hiến nhiều loạt bài chất lượng, góp phần “dọn rác” cho xã hội. Thế nhưng, ít ai biết rằng phía sau mỗi bài báo ấy là bao vất vả, gian nan và cả những thách thức, cám dỗ, hiểm nguy mà anh đã phải đối mặt, nhất là khi tìm hiểu những vụ việc nhạy cảm phải dấn thân vào “điểm nóng”. Và, nếu không đam mê, dũng cảm dấn thân, không quyết tâm đeo bám vấn đề, không biết nhập vai, không giữ được “ngòi bút” trong sáng và “cái đầu lạnh” khi tác nghiệp, thì những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc có thể đã xảy ra. Những điều này tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm và cảm nhận được.

Anh tâm sự: Những chuyến đi điều tra, tìm hiểu về các vấn đề nhạy cảm, gai góc, không chỉ mang lại cho bản thân những trải nghiệm đáng nhớ, đúc rút kinh nghiệm tác nghiệp, mà còn giúp tôi có thêm kho tư liệu quan trọng để thực hiện các loạt bài phóng sự tác động tích cực cho xã hội. Tuy nhiên, để có được thành công đó, có những chuyến đi tác nghiệp tôi còn bị các đối tượng xã hội đe dọa, nguy hiểm tới tính mạng.

Đơn cử như năm 2017, trong một lần tìm hiểu về hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ cả ngày lẫn đêm ở ven sông Hồng tại khu vực tỉnh Hưng Yên, tôi và đồng nghiệp đã bị một nhóm xã hội đen đeo bám, đe dọa và cản trở tác nghiệp. Nhận thấy việc tác nghiệp không đảm bảo an toàn, tôi đã liên hệ cho một vị lãnh đạo cấp phường, đây cũng là người mà tôi đã “tạo mối quan hệ” trước lúc xác định xâm nhập vào khu vực “điểm nóng” để phòng khi xảy ra sự cố có thể liên hệ nhờ “giải cứu.” Ngay sau đó, vị lãnh đạo phường đã huy động lực lượng an ninh, tổ dân phố gần nhất ra can thiệp, bảo vệ, đảm bảo an toàn.

Nhà báo Võ Mạnh Hùng tự tin ” cháy” với nghề và cống hiến nhiều loạt bài chất lượng.

Một tình huống khác để lại nhiều dấu ấn nhất trong quá trình thực hiện loạt bài phóng sự điều tra, phản ánh về vấn nạn khai thác, tuồn bán, xuất lậu “vàng đen” trái phép trong bối cảnh nhiều nơi đang “khát năng lượng.” Để thực hiện hoạt bài này, tôi đã mất gần 20 chuyến đi thực tế vào các khu vực mỏ, bãi tập kết tuồn bán than trái phép. Tại các “điểm nóng” này luôn có hàng chục đối tượng xăm trổ canh gác, dò xét. Thậm chí, để nắm được thông tin về con đường xuất lậu than sang Trung Quốc, tôi còn nhập vai, lên xe của một “bà trùm” có các đệ tử hung hãn ngồi bên theo dõi mọi cử động. Thật may, tất cả quá trình nhập vai điều tra đó đã không bị phát lộ…

Qua những câu chuyện kể của nhà báo Võ Mạnh Hùng đã phần nào cho thấy những khó khăn, gian khổ, thậm chí là cả sự hy sinh của những người làm báo, họ sẵn sàng lao vào hiểm nguy để kiếm tìm sự thật nhằm đem lại sự công bằng cho xã hội, đảm bảo pháp luật được thực thi. Đó là những điều mà những người làm báo luôn mong muốn sự sẻ chia của xã hội.

Tìm cái mới trong đề tài cũ

Khi được hỏi về việc lựa chọn đề tài cũng như kinh nghiệm để có được một tác phẩm báo chí hay và có chiều sâu. Nhà báo Võ Mạnh Hùng tâm sự: Những tác phẩm đã được giải thưởng báo chí của tôi thực ra cũng là những đề tài không mới, thậm chí có người gọi là “đề tài cũ” như về đất nông lâm trường, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử, quy hoạch thủy điện nhỏ, hay vấn nạn phá rừng. Những đề tài ấy cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Mỗi đề tài, mỗi “khoảng tối” khác nhau, nhưng đều có cùng điểm chung: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.” Và nếu không phân tích, “mổ xẻ” tới tận gốc rễ, cũng như không có hướng giải quyết một cách hệ thống từ luật tới thực thi, hẳn sẽ khó tạo ra cái mới.

Vì thế, mỗi bài viết anh đều xác định trách nhiệm của mình với độc giả để viết bài với đầy đủ nguồn thông tin, vì sao? Bởi nếu những vấn đề nóng, độc giả quan tâm mà chỉ đưa một mẩu tin ngắn có thể sẽ giúp nhiều người lướt qua nhanh, nhưng chắc chắn nó sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu thông tin của phần nhiều độc giả khó tính đang muốn tìm hiểu và trông chờ vào sự thay đổi. Thế nên, nếu chỉ đưa một mẩu tin ngắn ngủi, có khi thông tin quan trọng bị bỏ qua, chắc hẳn đó là điều lãng phí…

“Hơn nữa, sau mỗi loạt bài được phản ánh, tôi cũng luôn theo dõi, hướng tới sự vào cuộc xử lý của cơ quan chức năng, để xem những bài viết của mình có tác động tích cực gì cho xã hội. Thật may, phần lớn trong số ấy, đều có kết quả tích cực,” anh chia sẻ

Với những nỗ lực, cống hiến của mình, từ năm 2013 đến nay, nhà báo Võ Mạnh Hùng đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng báo chí của Bộ, ngành, nổi bật nhất là “bộ sưu tập” giải báo chí quốc gia như: Giải A năm 2018; giải B năm 2013; hai giai C năm 2016 và 2017. Ngoài ra, anh còn được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tặng bằng khen, trao giải thưởng môi trường vì những cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2020), anh đã gửi lời chúc mừng tới các nhà báo, phóng viên đồng thời mong muốn, các nhà báo cũng như các cơ quan báo chí hiện nay nối tiếp được truyền thống 95 năm của nền báo chí cách mạng, cùng nhau phấn đấu xây dựng một nền báo chí vừa hiện đại, vừa chuyên nghiệp, nhân văn.

Chúc cho anh trong thời gian tới sẽ làm được nhiều bài viết hay, ý nghĩa, thiết thực hơn nữa để góp phần cho sự phát triển ngành báo chí nước nhà.

Hà Anh

Bài liên quan
  • Nhà báo Lê Anh Đạt: Nghề báo – Dễ mà khó
    Moitruong.net.vn – Báo chí được xem là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi người làm nghề phải có phẩm chất cá nhân, luôn năng động, sáng tạo và cần sự trải nghiệm không ngừng. Để trở thành nhà báo thực thụ, đòi hỏi người theo nghề phải có phông kiến thức nền sâu rộng, kiến thức thực tiễn phong phú, lòng đam mệ, sự bền bỉ và sự dấn thân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhà báo Võ Mạnh Hùng: Con ong chăm chỉ “hút mật” cho đời “nở hoa”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.