Nhật Bản hướng đến mục tiêu tái chế 50.000 tấn quần áo thải

Thơ Hoàng|14/07/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mục tiêu là tái chế 50.000 tấn quần áo thải bỏ để sản xuất sợi tái chế vào năm tài chính 2030. Động thái này nằm trong nỗ lực giải quyết tình trạng lượng lớn quần áo bị vứt bỏ do sản xuất ồ ạt trong bối cảnh xu hướng “thời trang nhanh” đang lan rộng.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã thành lập Hội đồng chuyên gia nhằm thúc đẩy việc tái chế quần áo bị loại bỏ.

quan-ao-tai-che.jpg
Dự kiến, khoảng 60%, tương đương 485.000 tấn quần áo sẽ bị loại bỏ mà không được tái sử dụng

Theo kết quả khảo sát của Bộ Môi trường Nhật Bản cho thấy tổng lượng quần áo mới tại Nhật Bản ở mức 798.000 tấn vào năm 2022. Dự kiến, khoảng 60%, tương đương 485.000 tấn quần áo như vậy, sẽ bị loại bỏ mà không được tái sử dụng.

Theo Bộ Môi trường, chỉ 34% quần áo bỏ đi tại Nhật Bản được tái chế hoặc tái sử dụng. Con số này còn bao gồm cả việc xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Khoảng 40% chính quyền địa phương không thu gom quần áo bị loại bỏ, chủ yếu là do không có công ty thu mua sản phẩm cũ. Một lý do chính khác khiến quần áo bị vứt đi là khó khăn trong việc tái chế các mặt hàng sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau.

Ngoài ra, việc không dùng đồ cũ của người Nhật còn ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa. Trong một thời gian dài người Nhật Bản rất coi trọng đến vấn đề vệ sinh, đó là một yếu tố đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản và đây chính là một rào cản đối với việc sử dụng lại quần áo cũ.

Trước tình hình này, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng số lượng chính quyền địa phương tham gia thu gom quần áo cũ, bao gồm cả việc cung cấp thông tin về các công ty đang hoạt động trong lĩnh vực tái chế.

Chính quyền Trung ương cũng sẽ hỗ trợ các nỗ lực nhằm thiết lập công nghệ phân tách từng loại vải thành từng chất liệu riêng biệt.

Nhóm chuyên gia của METI cũng công bố mục tiêu giảm 25% lượng quần áo mà các hộ gia đình vứt bỏ trong năm tài chính 2030 so với mức của năm tài chính 2020.

Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả các sản phẩm dệt may được bán trong khu vực đều có thể tái chế và được làm chủ yếu từ sợi tái chế.

Một quan chức METI cho biết: “Nếu các công ty Nhật Bản không thể đáp ứng các quy định, họ có thể bị loại khỏi thị trường.”

Chính phủ Nhật Bản hy vọng các mục tiêu do Hội đồng chuyên gia đặt ra sẽ giúp thúc đẩy những nỗ lực của toàn ngành về tái chế nguyên liệu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhật Bản hướng đến mục tiêu tái chế 50.000 tấn quần áo thải