Y tế

Nhiều ca nhập viện do nhiễm khuẩn từ môi trường ô nhiễm sau bão lũ

Thanh Thanh 04/10/2024 18:00

Thời gian gần đây, hệ thống y tế ghi nhận nhiều ca nhập viện trong tình trạng biến chứng nặng do nhiễm khuẩn từ môi trường ô nhiễm sau bão lũ, ngập lụt.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, sau đợt mưa bão vừa qua ghi nhận sự gia tăng bệnh nhân nhập viện điều trị liên quan đến bệnh Whitmore do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei và các bệnh sốt xuất huyết, cúm, nhiễm trùng da, đường tiêu hóa…

Điển hình trường hợp anh P.V.K (45 tuổi, trú tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long) được gia đình đưa đến khám trong tình trạng người mệt mỏi, sốt cao kéo dài nhiều ngày không dứt. Được biết, do ảnh hưởng của bão số 3, nơi ở của gia đình anh K bị ngập nước kèm bùn bẩn, sình lầy. Sau khi tham gia dọn dẹp nhà cửa, anh K bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt cao liên tục, mệt mỏi.

Kết quả xét nghiệm cho thấy, anh K mắc bệnh whitmore do nhiễm khuẩn Burkholderia Pseudomallei. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi khuẩn tồn tại trong nước và đất bị ô nhiễm gây ra.

nhiem-khuan.png
Nhiều ca nhập viện do nhiễm khuẩn từ môi trường ô nhiễm sau bão lũ

Cũng mắc căn bệnh nguy hiểm này, cuối tháng 9, tại Lào Cai ghi nhận 1 bệnh nhân trú ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên. Trước đó, bệnh nhân dọn bùn đất sau lũ, không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da. Một ngày sau đó, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, sau đó tăng dần, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng. Bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám và điều trị, do diễn tiến nặng nên được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Nằm điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hơn 1 tuần, sức khỏe anh T.V.Đ (SN 1971, trú tại TP Yên Bái) đang dần phục hồi. Trước đó, anh Đ được chuyển cấp cứu từ Yên Bái trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết không xác định, suy gan, suy thận nặng, thở máy. Theo lời người thân của anh Đ, suốt thời gian vừa qua, gia đình sống trong vùng bão lũ, toàn bộ nhà ngập sâu trong nước lũ. Sau đó, anh Đ tham gia dọn dẹp phòng chống lũ, tiếp xúc nhiều với nước, bùn đất. Trước khi vào viện khoảng 1 tuần, anh Đ thấy đau mỏi cơ toàn thân, sốt rét. Sau đó, anh Đ đi khám phát hiện suy thận, phải nhập viện. Tình trạng bệnh nặng hơn kèm sốt nên Đ được đặt nội khí quản và chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Tại đây, anh Đ được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết có sốc, nhiễm Leptospira (bệnh xoắn khuẩn vàng da), viêm phổi, viêm tụy cấp, suy thận cấp, xơ gan.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận 5 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình ở Thái Nguyên với biểu hiện sốt, mệt mỏi; trong đó có 1 ca nặng phải nhập Khoa Cấp cứu bởi men gan tăng cao, suy thận cấp và giảm tiểu cầu. Tất cả đều được xác định nhiễm xoắn khuẩn vàng da.

Theo BS Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, loại xoắn khuẩn này thâm nhập vào cơ thể người qua những vết xước ở da, niêm mạc khi tiếp xúc với nước bị nhiễm. Bệnh hay gặp vào mùa mưa do xoắn khuẩn lan theo dòng nước. Trận lũ lụt do bão Yagi vừa qua tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của vi khuẩn này.

Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn sau mưa lũ, người dân thực hiện các biện pháp phòng chống các bệnh ngoài da, nhiễm khuẩn sau bão lũ, như:

- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay với xà phòng;

- Không nên tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn ứ đọng lâu ngày, đặc biệt là khi có vết thương ngoài da, trầy xước chảy máu;

- Thực hiện vệ sinh nhà ở, môi trường với phương tiện bảo hộ ngay sau khi nước rút, vệ sinh bề mặt bằng các dung dịch khử khuẩn.

- Thực hiện ăn chín uống sôi, tránh thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, nguồn nước bị ô nhiễm, đồng thời tăng cường bổ sung dinh dưỡng để cải thiện hệ miễn dịch.

- Khi có biểu hiện bất thường như: sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, sưng đau một số vị trí trên cơ thể hoặc buồn nôn, nôn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng… cần đến viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều ca nhập viện do nhiễm khuẩn từ môi trường ô nhiễm sau bão lũ