Bao giờ người dân KĐT Thanh Hà không còn nỗi lo thiếu nước sạch? - Bài 1: Nguy cơ nhiễm bệnh vì nước nhiễm khuẩn

Thu Trinh - Lưu Trang|26/10/2023 12:37
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ ngày 24/10, KĐT Thanh Hà sẽ được cấp 5.000m3 nước/ngày đêm song đó chỉ là biện pháp tạm thời, “chữa cháy”. Điều mà hơn 1 vạn người dân ở KĐT Thanh Hà cần là được sử dụng nguồn nước sạch về lâu về dài chứ không phải kiểu “ăn đong” mà phập phồng lo sợ vì chất lượng nước không đảm bảo như hiện nay bởi việc tiếp cận nước sạch là một trong các quyền cơ bản của con người, được Liên hợp quốc công nhận cách đây 13 năm.

25-nc-thanh-ha.png
Người dân khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) vẫn phải xếp hàng chờ xe chở nước sạch đến hằng ngày

Kể từ ngày 15/10, cảnh hàng trăm người dân khu đô thị (KĐT) Thanh Hà (huyện Thanh Oai, Hà Nội) mỗi tối mang theo xô, chậu xuống sảnh để xin nước sạch đã trở nên quen thuộc. Việc thiếu nước sạch không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của cư dân mà còn khiến nhiều cơ sở kinh doanh tại đây tạm thời ngừng hoạt động do chi phí mua nước đóng bình, chai tăng mạnh.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không phải bây giờ mới xảy ra tại các khu đô thị, khu chung cư tại Hà Nội. Trước đó, nó đã từng xuất hiện ở KĐT Linh Đàm (Quận Hoàng Mai) năm 2017, hay KĐT Đại Thanh (Huyện Thanh Trì) năm 2014, khiến người dân mòn mỏi hàng tháng trời vì thiếu nước. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước ở những khu đông dân cư kể trên là do sự cố vỡ đường ống hoặc cao điểm nắng nóng có thể tạm chấp nhận nhưng nguyên nhân sâu xa chưa được bóc tách rõ ràng cho đến khi nó trở lại KĐT Thanh Hà hơn chục ngày nay, khiến cư dân khốn khổ.

Khủng hoảng nước ở KĐT Thanh Hà, nơi có 26 tòa nhà với khoảng 16.000 dân, bắt đầu từ hai tuần trước, khi cư dân phát hiện nước không đảm bảo chất lượng. Ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cho biết, từ ngày 6/10, chính quyền địa phương nhận được phản ánh của cư dân Tổ 6 KĐT Thanh Hà về việc nước sinh hoạt nhớt, sử dụng tắm rửa làm cay mắt, trẻ em mẩn ngứa… Xã đã có công văn gửi Công ty nước sạch Thanh Hà về việc cung cấp nước sạch phải theo quy chuẩn, nếu cắt nước của dân phải có lịch thông báo; tổ chức đối thoại với cư dân…

Ngay sau khi có phản ánh của người dân, các ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm. “Ngày 13/10 có kết quả xét nghiệm mẫu nước lấy ngày 12/10 từ nguồn nước ngầm của Công ty nước sạch Thanh Hà bị nhiễm E.coli. Ngày 14/10, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 có văn bản yêu cầu không cung cấp nguồn nước này cho KĐT Thanh Hà”, ông Phương cho biết.

Theo cư dân ở đây, từ khi có kết quả nguồn nước của Công ty nước sạch Thanh Hà nhiễm E.coli, họ rất lo lắng. Một loạt tin nhắn của cư dân gửi phiếu kết quả khám bệnh từ ngày 12/10 trở về trước cho thấy phần lớn trẻ em bị tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột.

“Trạm cấp nước cho khu đô thị cách nghĩa trang khoảng 500m, gần đó có trạm trộn bê tông hoạt động suốt ngày đêm. Cách đó không xa là con kênh ô nhiễm, bốc mùi nên chúng tôi rất lo lắng vì không biết nguồn nước bị nhiễm khuẩn E.coli có ảnh hưởng gì tới sức khoẻ của người dân đã sử dụng nước hay không?”, anh Phạm Minh Châu cho biết.

Ông Trần Đình Nga, Phó giám đốc khu dịch vụ nhà ở Thanh Hà cho biết, đơn vị đã họp với 3 tòa nhà, lấy mẫu nước và đem đi xét nghiệm độc lập, có sự giám sát của đại diện dân cư. Kết quả xét nghiệm của Viện công nghệ môi trường cho thấy 3 mẫu nước của tòa HH03E và HH03F được lấy vào ngày 5/10 thì cả 3 mẫu đều có nồng độ Amoni cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế. Chỉ số Nitrat và Coliform cũng cao. Thậm chí, theo kết quả mẫu nước từ tòa nhà HH03D thì chỉ số Amoni còn vượt 38 lần, hàm lượng Clo dư vượt 30 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho rằng sẽ nguy hiểm nếu người dân sử dụng nguồn nước nhiễm E.coli làm nước ăn. Vi khuẩn E.coli gây bệnh tiêu chảy, nước nhiễm khuẩn này có nguy cơ gây thành dịch tiêu chảy cho cộng đồng sử dụng nguồn nước đó. Vi khuẩn E.coli sẽ chết nếu nước được đun sôi, tuy nhiên, không phải lúc nào người dân cũng đun sôi nước để dùng, ví như rửa rau, rửa bát đũa…Nếu trong nguồn nước có nhiễm khuẩn E.coli, nguy cơ mắc bệnh qua vật trung gian là hiện hữu.

"Mặc dù khi nhiễm vi khuẩn này, người khoẻ có thể không gây thành bệnh, tuy nhiên phân thải ra lại chứa E.coli và trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác”, ông Thịnh cảnh báo.

Còn theo PGS. TS.BS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường sức khỏe (CHERAD)cho biết, bản chất E.coli không phải con gây bệnh mà đấy là chỉ số về mức độ nhiễm bẩn. Nếu trong nước có nhiều E.coli chứng tỏ nước đã nhiễm bẩn mà nước nhiễm bẩn thì có thể có vi trùng gây bệnh cho nên uống nước nhiễm E.coli có khả năng gây bệnh là do trong nước có vi trùng, vi khuẩn, vi-rút gây ra. Còn nước không có E.coli tức là nước sạch nhưng E.coli không phải con gây bệnh mà là chỉ số thông báo trong nước đã nhiễm bẩn, có chứa vi trùng, vi khuẩn hoặc vi-rút gây bệnh.

Đề cập đến các chỉ số Nitrat, nitrate, Coliform, nồng độ Amoni có trong nước cao gấp 5-6 lần tiêu chuẩn của Bộ y tế được người dân KĐT Thanh Hà đưa đi xét nghiệm, PGS. TS.BS Nguyễn Huy Nga nói: Nếu việc lấy mẫu nước mang đi xét nghiệm đúng qui chuẩn mà cho các chỉ số Nitrat, nitrite cao thì phải xem lại nguồn nước để tìm ra nơi nhiễm bẩn. Nếu trong nguồn nước chỉ số nitrite cao nghĩa là mới nhiễm bẩn còn chỉ số Nitrat cao nghĩa là nguồn nước nhiễm bẩn lâu rồi. Chẳng hạn 1 con chuột mới chết trong bể nước thì nguồn nước này nhiễm nitrite, để lâu ngày thì nitrite sẽ chuyển thành Nitrat

25-nc-thanh-ha-2.png
Con mương ô nhiễm, bốc mùi cách trạm cấp nước của Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà khoảng vài trăm mét

Cũng theo chuyên gia này thì ngoài các yếu tố trên cần phải kiểm tra xem các bể chứa, đường ống có được thau rửa thường xuyên không? hay một vài năm mới thau rửa một lần. Động vật, côn trùng rơi vào chết không được vớt ra, thay nước kịp thời.

“Nitrite hay Nitrat cũng là chỉ số giống E.coli. Nếu các chỉ số nằm trong mức mà Bộ Y tế cho phép thì chưa phải là mức gây độc nhưng là chỉ số cho thấy nước bị nhiễm bẩn”, PGS. TS.BS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Theo ông Huy Nga, các nitrate tương đối không độc hại. Tuy nhiên, nitrate có thể chuyển đổi thành nitrite bởi enzyme và vi khuẩn Ngoài ra, nitrate có thể chuyển đổi thành nitrite trong cơ thể. Khi lượng nitrite vượt quá mức sẽ xúc tiến quá trình oxy hóa sắt (Fe2+) có trong oxyhemoglobin thành sắt III (Fe3+) tạo thành methemoglobin. Methemoglobin không thể vận chuyển oxy trong máu, do đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt oxy và gây ra tình trạng tím tái. Trẻ sơ sinh hấp thụ quá lượng nitrite sẽ có dấu hiệu bị ngộ độc methaemoglobineamia hoặc bị 'hội chứng baby blue', da vàng, chậm lớn.

Tiếp cận nước sạch là một trong các quyền cơ bản của con người, được Liên hợp quốc công nhận từ cách đây 13 năm. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 do Quốc hội ban hành đặt mục tiêu: Đến năm 2025, sẽ có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân nông thôn có nước sạch để dùng. Chỉ hơn 1 năm nữa là đến hạn mục tiêu mà Quốc hội đặt ra song hơn vạn người dân ở KĐT Thanh Hà vẫn đang tình trạng “khát” nước sạch.

"Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị trước khi cấp nước mới cần sục rửa đường ống, các bể chứa nhưng Công ty cổ phần nước sạch Thanh Hà không giải quyết. Đặc biệt điều khiến người dân lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m", chị Trần Thị An - đại diện ban lâm thời khu đô thị Thanh Hà bức xúc.

Khu đô thị Thanh Hà có 26 tòa nhà, cao từ 6 đến 19 tầng, cùng các khu nhà biệt thự liền kề thấp tầng, với khoảng 30.000 dân đang sinh sống nên việc khắc phục sự ô nhiễm nguồn nước sạch là cấp thiết.

“Hiện nay, công tác quy hoạch và quản lý cấp nước của thành phố Hà Nội đang thực hiện như thế nào? Có những bất cập gì? Chúng tôi muốn dùng nước sạch và xin chỉ đạo của thành phố về thay đổi nhà cung cấp nước từ Công ty Cổ phần nước Thanh Hà sang nhà máy Hawaco bởi theo Quy hoạch KĐT Thanh Hà được cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà và sông Đuống" - Đó là ý kiến chung của cư dân KĐT Thanh Hà trước tình trạng thiếu nước, nước nhiễm bẩn như hiện nay.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ người dân KĐT Thanh Hà không còn nỗi lo thiếu nước sạch? - Bài 1: Nguy cơ nhiễm bệnh vì nước nhiễm khuẩn