Nhiều giải pháp kích cầu du lịch 6 tháng cuối năm

Theo Baochinhphu.vn|26/06/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhằm khôi phục hoạt động du lịch từ nay tới cuối năm, nhiều địa phương đã xây dựng các kịch bản hấp dẫn và thiết thực, trước mắt là tập trung phục hồi thị trường khách du lịch nội địa, tiếp đến là thị trường khách du lịch quốc tế.

Hà Nội phấn đấu đón 11 triệu lượt khách nội địa

Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp để phấn đấu đón 11 triệu lượt khách nội địa từ nay đến cuối năm

Theo các chuyên gia du lịch thế giới và Việt Nam, ngành du lịch sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và chỉ có thể phục hồi sau khi dịch được kiểm soát, các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại bình thường.

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng như các nước trong khu vực, trong khi đó, tại nước ta, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, do đó, thị trường du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố có lợi cho quá trình hồi phục của du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Chính vì thế, từ nay đến cuối năm, để khôi phục lại “ngành kinh tế không khói”, Hà Nội phấn đấu đón khoảng 10-11 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng cách đưa ra nhiều kịch bản thiết thực và hấp dẫn, mở ra những xu hướng mới để doanh nghiệp chuyển động và thích ứng.

Hiện nay, an toàn du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách, cùng với đó là xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân. Bởi vậy, các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour tuyến đều lựa chọn những điểm đến an toàn, thận trọng khi đặt các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống phục vụ khách; thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh cho du khách.

Hàng loạt các điểm đến tại Hà Nội như các di tích, bảo tàng, công viên, điểm mua sắm, các cơ sở lưu trú đều thực hiện các giải pháp kích cầu, thu hút khách bằng việc giảm giá vé, giá dịch vụ, tặng quà… cùng với đó là bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho du khách.

Sở Du lịch Hà Nội cũng đã ban hành và triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố năm 2020. Theo đó, Sở tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội gồm du lịch di sản, sinh thái, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại…

Bên cạnh đó, ngành du lịch tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, liên kết hợp tác thu hút khách du lịch trong nước.

Du khách thả diều tại bãi tắm Bãi Sau, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: TTXVN

Thúc đẩy liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Vào ngày 28/6 tới, tại Tây Ninh, UBND tỉnh Tây Ninh và UBND TPHCM sẽ tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL vốn có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, có các điều kiện và lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ cao cấp, du lịch, viễn thông, tài chính, ngân hàng, nghiên cứu, ứng dụng và triển khai khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao…

Chính vì thế, song song với liên kết phát triển với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, TPHCM tiếp tục xây dựng kế hoạch liên kết phát triển vùng Đông Nam Bộ, trong đó có hoạt động du lịch. Với nguồn tài nguyên du lịch sinh thái đa dạng, vừa có rừng, có núi, có sông và biển, cùng với nền văn hóa đặc sắc, vùng Đông Nam Bộ có điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch.

Hội nghị sẽ thảo luận và ký kết liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ. Đây là tiền đề tạo nên sự kết nối phát triển sản phẩm du lịch vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới, tham gia vào tiến trình phát triển du lịch nội địa của cả nước.

Trong khuôn khổ hội nghị cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh kết nối hoạt động du lịch, khảo sát các điểm đến để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Bảo vệ môi trường biển giúp Vịnh Hạ Long thu hút du khách

Quảng Ninh bảo đảm môi trường du lịch an toàn, chất lượng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về công tác bảo đảm môi trường du lịch trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý thị trường, giá cả, vệ sinh môi trường, vệ sinh – an toàn thực phẩm, trật tự đô thị, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về du lịch như Hạ Long, Móng Cái, Vân Đồn, Cô Tô; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND tỉnh yêu cầu UBND TP. Hạ Long chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong, ăn xin tại các địa bàn trọng điểm du lịch; có các giải pháp hiệu quả bảo đảm phân luồng giao thông, quản lý các bãi đỗ phương tiện; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đón tiếp, phục vụ khách.

Các sở, ngành chức năng bảo đảm an toàn giao thông, bảo đảm an toàn tại các bãi tắm du lịch, có giải pháp hiệu quả kiểm soát các bãi tắm tự phát trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, kiểm soát việc bán đúng giá đăng ký và niêm yết; nghiêm cấm mọi hành vi trục lợi, tăng giá, bớt xén dịch vụ, “chặt chém” “cò mồi”…

Quảng Ninh cũng đang xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, đến năm 2025 tỉnh sẽ đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 1,1 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 5.950 tỷ đồng.

Năm 2030 Quảng Ninh sẽ đón 3 triệu lượt khách nội địa và 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 12.160 tỷ đồng. Đặc biệt, đến năm 2025 du lịch cộng đồng sẽ tạo ra 4.200 việc làm và vào năm 2030 tạo ra 9.500 việc làm.

Theo Baochinhphu.vn

Bài liên quan
  • Kích cầu du lịch miền Tây
    Moitruong.net.vn – 57 doanh nghiệp (DN) lưu trú, 36 DN về dịch vụ ăn uống, 25 DN về tham quan, 22 công ty bán tour du lịch cùng tham gia trong đợt kích cầu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều giải pháp kích cầu du lịch 6 tháng cuối năm
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.