Nhiều thách thức phát triển rừng FSC tại Tuyên Quang

Hồng Trang|22/08/2024 07:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chi phí làm thủ tục cao, giá nguyên liệu bán ra thấp… là những rào cản, vướng mắc trong việc phát triển diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC ở tỉnh Tuyên Quang.

Tuyên Quang hiện có hơn 48.700ha diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo chuẩn quốc tế (FSC) và tiêu chuẩn quốc gia (VFCS/PEFC). Trong đó, diện tích do tổ chức quản lý là hơn 16.400ha và diện tích do các nhóm hộ quản lý là trên 32.300ha.

rung-fsc.jpg
Tuyên Quang tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chăm sóc, phát triển và bảo vệ rừng, tăng diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC

Cùng với những thuận lợi và ý nghĩa tích cực của việc cấp chứng chỉ rừng FSC mang lại thì cũng có những khó khăn và thách thức nhất định hiện nay như, hiểu biết của một số chủ rừng là hộ gia đình còn hạn chế, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình chưa cao dẫn tới khó khăn trong việc liên kết thành nhóm hộ để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững.

Khi khai thác rừng trồng sản xuất phải thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt tại phương án quản lý rừng bền vững, nhưng trong thực tế việc tiêu thụ lâm sản phụ thuộc nhiều vào thị trường (khi giá gỗ rừng trồng giảm người dân không đồng tình khai thác, khi giá gỗ tăng cao thì không phù hợp kế hoạch khai thác rừng) nên việc khai thác rừng trồng sản xuất của các chủ rừng thường không đúng theo kế hoạch xây dựng tại phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, quá trình lập hồ sơ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, các nguyên tắc, tiêu chí, chỉ số nhiều, khắt khe và cần thực hiện đầy đủ. Do đó việc tổ chức đánh giá và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững mất nhiều thời gian và chi phí.

Việc đánh giá cấp, duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững cần chi phí lớn (khoảng 1 triệu đồng/ha) nhưng hiện nay, nhà nước mới hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình tối đa không quá 300.000 đồng/ha nên cần phải có sự hỗ trợ cả về kinh phí và kỹ thuật của các doanh nghiệp, hợp tác để triển khai, thực hiện.

Năm 2018, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Tuyên Quang , hợp tác xã nông lâm nghiệp Tiến Huy, xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn tiên phong triển khai trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn, HTX và người dân xã Tiến Bộ đã học được rất nhiều, từ kỹ thuật trồng, bảo vệ đất, cây rừng…

Ông Nịnh Văn Lìn, trưởng nhóm FSC xã Tiến Bộ cho biết, năm 2020 - 2021, nhiều diện tích rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC đến tuổi khai thác, tuy nhiên thị trường xuất khẩu gỗ bị đứt gẫy, các doanh nghiệp chế biến gỗ không khai thác, hợp tác xã phải bán cho các xưởng chế biến nhỏ lẻ với giá gỗ thông thường.

Do chi phí để một cánh rừng được cấp chứng chỉ FSC khá cao, thế nhưng khi thị trường tiêu thụ gặp khó khiến chủ rừng thu về lãi suất thấp hơn so với mô hình trồng rừng thông thường. Đối với HTX nông lâm nghiệp Tiến Huy, sau mỗi chu kỳ trồng rừng FSC, HTX phải gánh lỗ khoảng 600 triệu đồng dù được hỗ trợ một phần từ nhà nước. Chính vì thua lỗ nên việc tái đầu tư để đánh giá và xin cấp chứng nhận lại tiêu chuẩn FSC cho diện tích rừng phải gác lại.

Một khó khăn nữa mà người trồng rừng theo tiêu chuẩn FCS ở Tuyên Quang gặp phải đó là tại điểm b khoản 7 Điều 5 của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Nguồn giống trồng rừng (hạt giống, trái giống hoặc cây giống) phải có xuất xứ từ cơ sở sản xuất giống đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận về nguồn giống theo quy định”. Thế nhưng theo quy định này là rất khó thực hiện do nhiều chủ rừng là hộ gia đình sau khi mua cây giống trồng rừng không lấy hoặc không lưu giữ hồ sơ chứng minh nguồn gốc giống.

Bài liên quan
  • Thái Nguyên đẩy mạnh đánh giá, cấp chứng chỉ rừng FSC
    Những năm qua, Cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh việc phát triển và quản lý rừng bền vững; tới nay đã có hàng ngàn diện tích rừng trên địa bàn được cấp Chứng chỉ FSC.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Nhiều thách thức phát triển rừng FSC tại Tuyên Quang